Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

lời gọi

Khi tôi gởi một cánh thư đi là tôi gởi lòng tôi ở đó.  Gởi nỗi lòng mình đi thì bao giờ cũng có nhớ nhung và hồi hộp, âu lo.  Tôi không viết thư cho gió vì gió không biết tiếng người.  Tôi chẳng gửi thư cho mây vì mây không bao giờ đáp trả.  Tôi chỉ gởi cho người vì chỉ người mới có thể đáp trả lại nỗi lòng tôi.  Nhưng người có tự do nên tôi cũng có thể bị chối từ.  Tiếng gọi của tôi có thể vang lên khô khan rồi hiu hắt trở về với cõi lòng tôi.
Khi Chúa cất tiếng gọi thì Chúa cũng thầm nuôi hy vọng được đáp trả.  Chắc hẳn Ngài cũng ngậm ngùi khi bị khước từ.  Bởi trong tiếng gọi là thầm cho đi tình yêu.  Bởi trong tiếng gọi là thầm nói lên nỗi nhớ thương.
Gọi là dấu hiệu đang còn xa nhau.  Gọi là muốn lại gần.
Trong cuộc đời, tôi có hai tiếng gọi, hai mẫu người lý tưởng để theo.  Tiếng gọi thứ nhất là Chúa Kitô.  Tiếng gọi thứ hai là chính tôi.  Tôi có thể tạo nên cho tôi những tiếng gọi, những giấc mơ và tôi có thể theo đuổi để trở thành mẫu người như tiếng gọi tôi ước mong.  Tôi cũng có thể trở thành mẫu người như Chúa Kitô mong muốn.  Cái khác nhau là một đàng tôi sống ước mơ của tôi, một đàng tôi phải sống tiếng gọi của Chúa. "Thức ăn của Ta là làm theo ý Ðấng đã sai Ta và hoàn tất công việc của Ngài" (Yn. 4:34).  Chúa Kitô đã sống trọn vẹn tiếng gọi của Cha Ngài.
Tôi có thể lầm lẫn thì tiếng gọi của tôi cũng có thể không trung thực.  Nếu tiếng gọi của tôi không trung thực thì lo âu để trở nên mẫu người như tôi mơ ước sẽ là dại dột.
Nếu tôi tin rằng Chúa không thể sai lầm thì tôi cũng phải xác tín rằng tiếng gọi của Ngài phải tuyệt hảo.  Không thể có hai sự tuyệt hảo.  Như thế, khi tôi chối từ sự tuyệt hảo là tôi nhận sự bất hảo.

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Nun's Life!




















Thư Gửi Cha Giuse Kính mến!

Cha Thánh Giuse kính mến,
Con mới đọc được câu chuyện này trên mạng, thấy hay hay, con kể lại cho cha nghe nhé.
Cha Gioan Tauler, là một linh mục đạo đức luôn cầu xin để gặp được người chỉ cho biết thiên đàng ở đâu. Một ngày kia, có tiếng lương tâm giục ngài ra trước cửa nhà thờ để gặp vị quân sư đó. Nhìn trước nhìn sau, cha chẳng thấy ai, ngoại trừ một người ăn mày, quần áo rách rưới, mặt mũi bẩn thỉu, hôi thối.
Cha đến gần chào người hành khất: “Chào ông, chúc ông may mắn.”
Người ăn mày thản nhiên trả lời: “Chào cha, tôi có bị rủi ro bao giờ đâu!”
- Vậy thì xin Thiên Chúa ban cho ông mọi điều sung sướng.
- Ồ, thưa cha, đời tôi chưa bao giờ thấy khổ cả!
Rất ngạc nhiên về cách nói năng của người này, cha Tauler hỏi tiếp: “Nếu Chúa bắt ông xuống hỏa ngục, ông có buồn khổ không?”
Người hành khất trả lời không cần suy nghĩ: “Nếu Chúa làm như vậy thì tôi sẽ ôm ghì lấy Chúa và đưa Chúa xuống hỏa ngục luôn. Tôi thà ở hỏa ngục với Chúa còn hơn ở Thiên Đàng mà không có Ngài”.
Vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa, hỏi tiếp: “Này ông, ông có thể cho tôi biết ông từ đâu tới đây?”
- Thưa cha, tôi từ Thiên Chúa mà đến.
- Nhưng ông tìm thấy Thiên Chúa ở đâu?
- Ở ngay khúc quẹo, chỗ mà tôi từ bỏ mọi của cải vật chất trên đời này.
Tới đây, không thể chờ đợi thêm được nữa, cha Tauler hỏi nhanh: “Thế thì, ông là ai?”
Người ăn mày nói một cách trịnh trọng: “Tôi là Vua”
Cha Tauler quỳ xuống trước mặt người ăn mày: “Tâu Đức Vua, Ngài có thể cho con biết vương quốc ngài ở đâu không?”
Người ăn mày đáp: “Vương quốc của Ta ở ngay trong tâm hồn Ta”
Câu chuyện này làm con nhớ đến cha. Trong gia phả, cha cũng thuộc “gia đình dòng tộc vua Đavid” (Lc 2,4) như người hành khất trong câu chuyện xưng “Tôi là Vua”. Người ta thường nói:  “Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Ấy thế mà cuộc sống của cha sao chẳng thấy có chất “vua” chút nào cả. Cha chẳng có nhà lầu xe hơi, chẳng áo mão cân đai, võng lọng đưa đón, kẻ hầu người hạ. Cuộc đời cha thầm lặng quá, chẳng nổi đình nổi đám, chẳng có một chút chức tước địa vị nào, chẳng “có danh gì với núi sông” là sao?
Như người hành khất trong câu chuyện, cha đâu có thấy rủi ro, đau khổ, buồn khổ, và có nghe thấy cha kêu ca bao giờ đâu, vì cha luôn “ôm ghì lấy Chúa”, vì “Chúa luôn ở trong cha” và “Vương quốc Thiên Chúa” đã ở trong tâm hồn cha rồi, thế nên cha có màng chi đến “cái vòng danh lợi cong cong”. Thế nhưng, xin lỗi cha, nói theo kiểu thế gian thì không biết các gia trưởng thời nay có chịu noi gương cha như thế không. Này nhé :
- Nếu nói về mặt xã hội thì cha quả thật là một gia trưởng đã thất bại nặng nề trên đường đời. Nhiều gia trưởng thời đó cũng như ngày nay đã làm cho gia đình họ được sung túc, cơm no áo ấm, của ăn của để, nhà cao cửa rộng hơn cha nhiều lần.
- Nếu nói về công danh sự nghiệp ở đời thì rất nhiều gia trưởng đã làm rạng rỡ cho gia đình vì chức tước thế giá địa vị của họ. Có khi “một người làm quan, cả họ được nhờ!” Vợ con của những người gia trưởng này hãnh diện vì địa vị của cha/chồng họ trong xã hội. Họ còn sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nữa là khác. Con cái họ dựa vào thế giá của họ mà leo lên nấc thang danh vọng, và thừa hưởng gia tài kếch xù họ để lại. Phần cha, suốt đời chẳng có được chức tước địa vị nào, chẳng có của chìm của nổi. Cha bị khinh rẻ, coi thường, không những ở Nazaret, mà còn ở khắp vùng Galilê. Khi Đức Giêsu đi rao giảng, những kẻ chống đối đã miệt thị : “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?” (Ga 6,42; Lc 4,22). Thật buồn cha nhỉ, Đức Giêsu chỉ là “con bác thợ mộc”, chứ nếu là “con ông cháu cha” thì chắc sẽ được người đời trọng vọng đón tiếp lắm đấy!
- Còn về vấn đề lao động, cũng phải công nhận rằng không cần có cha làm gương về lao động, thì mọi người cũng đã phải “tay làm hàm nhai, tay quai hàm trễ” và phải “hai bàn tay đen đổi lấy bát cơm trắng”. Vì lao động là quy luật gắn liền với con người kể từ khi Adam bỏ Chúa mà đi phạm tội, “mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến lúc ngươi về lại bụi đất, vì tự đất, ngươi đã được rút ra” (St 3,19). Theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông, con thấy ngày nay có những người chồng, người cha nhọc nhằn mưu sinh cơ cực để lo cho vợ con đâu thua gì cha ngày xưa, phải không cha?
- Xét về mặt gia đình, thật sự con thấy cha là một gia trưởng “lép vế” nhất. Khi bằng an thì âm thầm làm việc sau bốn bức tường. Khi tai biến phải trốn chui trốn nhủi thì thiên thần kêu cha “đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,13). Sau đó cha lại tất tả “đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2,20). Nhưng lúc giao dịch với bên ngoài thì vai chính lại là Đức Maria và Hài Nhi Giêsu. Khi các nhà hiền sĩ đến bái lạy Đức Giêsu thì Kinh Thánh chép : “Vào nhà, họ thấy Hài Nhi cùng Maria Mẹ Người, và họ phục mình xuống bái yết Người” (Mt 2,11). Không thấy nhắc gì đến cha !
Khi cha cùng với Đức Mẹ đem Hài Nhi Giêsu lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa, tiên tri Simêon chỉ nói với Đức Mẹ : “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2,35). Còn cha, chỉ là cái bóng mờ bị lãng quên!
- Còn trước mặt Thiên Chúa, với cái nhìn trần gian thì coi như cha là một người bị bạc đãi! Công nghiệp như thế, tận tụy như thế, mà cha xem ra còn kém cạnh với các tông đồ và các thánh khác. Vì suốt đời cha không được làm một phép lạ nào. Đọc suốt 4 sách Tin Mừng, không thấy cha nói một lời nào. Và khi Đức Giêsu sống lại trong vinh quang thì chắc cha đã qua đời rồi, không kèn không trống, không thấy nhắc gì tới!
Cha Giuse kính yêu của con ơi,
Cha đã sống âm thầm, chết cũng âm thầm, thậm chí ngày hôm nay người ta cũng chẳng biết nấm mồ của cha ở đâu. Nhưng có một điều con chắc chắn là cha đã an nghỉ trong bàn tay Đức Giêsu và đã được chôn cất trong sâu thẳm của trái tim Đức Giêsu Kitô (Lc 10,20). Viết đến đây, con chợt nghĩ lại khi thấy mình còn quá lo âu và quá tốn phí trong việc ma chay mồ mả giỗ chạp. Cứ phải làm đám tang cho thật to, kèn trống linh đình, cờ quạt vòng hoa tốn phí, ăn uống tiệc tùng linh đình tốn kém. Đã có những người sẵn sàng “vung tiền qua cửa sổ” thi nhau làm những nấm mồ tốn kém hàng tỉ đồng cho những người quá cố trong gia đình mình trong trong các “Thành Phố Ma”. Mục đích chỉ để lấy tiếng như “con gà đua nhau tiếng gáy”, mà nào có hiếu đễ gì?
Thưa cha,
Hôm nay, trong Nước Thiên Chúa, ngoài Đức Maria Nữ Vương trời đất, Thiên Chúa đặt cha làm đấng cao trọng trên tất cả. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, tên của cha đã được kêu cầu ngay sau tên của Đức Mẹ rồi đó!
Như con đã liệt kê ở trên, về mọi mặt cha đều thua thiệt hết, vậy bởi đâu mà cha được như vậy ?
Muốn nhìn một vị thánh đích thực, Hội Thánh chỉ nhìn vào Đức Giêsu. Những ai muốn được gọi là thánh đều phải dính liền thành một thân mình với Đức Giêsu. Không ai ở ngoài Đức Giêsu, dùng công lao khó nhọc giữ đạo của mình để làm thánh được “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,6).
Bây giờ ai cũng phải công nhận cha là một vị đại thánh. Cha đã làm trọn mọi điều Thiên Chúa giao phó, như bức bình phong che chở Hài Nhi Giêsu và Mẹ Ngài, để Thánh Thần đưa được Đức Giêsu lên tới chóp đỉnh cứu chuộc là cuộc tử nạn thập giá và phục sinh cứu chuộc nhân loại.
Làm được công việc lớn lao ấy không phải do tài năng đạo đức của cha, nhưng nhờ bác thợ mộc Giuse đã đặt trọn đời mình vào bàn tay Thiên Chúa. Cha tín thác vào Thiên Chúa, vâng theo ý Chúa, như Đức Giêsu đã nói : “Tôi tự trời xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” (Ga 6,38). Cha biết mình chỉ là một đầy tớ vô dụng, tất cả đều cậy nhờ vào Thiên Chúa (Lc 17,10). Cha đặt mình trước Thiên Chúa như bông huệ ngoài đồng để Thiên Chúa nuôi dưỡng mặc đẹp cho (Lc 12,27).
Cha là người đã cảm nghiệm được mối phúc đầu tiên “Phúc cho ai nghèo khó trong tinh thần…”. Đó cũng là đề tài Đức Thánh Cha Phanxicô chọn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 24 năm 2014. Ôi, thời buổi ‘tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là mát mẻ của tuổi già, là cái đà cho danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý, có tiền là…hết ý” thì làm sao có thể coi nghèo khổ là một phúc đức được chứ ?
Thú thật, con chẳng biết giải thích thế nào, vì con cũng là con người “tham sân si” đầy mình, con tìm được lời giải thích thỏa đáng nơi ĐTC :
“Khi Con Thiên Chúa hóa thân làm người thì Người đã chọn đường lối nghèo khó và tự hủy bản thân mình. Như Thánh Phaolô viết trong  thư  gửi tín hữu thành Philiphê : “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,5-7). Ở đây, chúng ta thấy việc Thiên Chúa chọn trở thành nghèo hèn: Người là Đấng giầu có nhưng đã trở thành nghèo hèn để cho chúng ta trở nên phong phú nhờ cái nghèo của Người (2 Cr 8,9).
“Tĩnh từ Hy Lạp ptochós (nghèo) không chỉ có ý nghĩa thuần thể chất. Nó có nghĩa là “một kẻ hành khất – a beggar”, và nó cần phải được liên kết với ý niệm Do Thái về anawim, “kẻ nghèo của Thiên Chúa”. Nó gợi lên cho thấy những gì là thấp hèn (lowliness), một cảm quan về những gì là hạn hẹp và nghèo khó trong cuộc sống. Kẻ nghèo – the anawim là thành phần tin tưởng vào Chúa và họ biết rằng họ có thể cậy dựa vào Ngài.
 Bác thợ mộc Giuse, người đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa yêu mến và gọi : “Giuse là người công chính” (Mt 1,19). Cha chỉ là người bình thường như bao gia trưởng khác, nhưng luôn vâng phục ý Chúa, chấp nhận cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Như Đức Mẹ đã thưa XIN VÂNG với Thiên Chúa, lời thưa XIN VÂNG của cha được thể hiện qua những biến cố con đọc thấy trong Tin Mừng thời thơ ấu Chúa Giêsu. Cha luôn sẵn sàng bỏ ý riêng mình để làm theo ý muốn của Thiên Chúa qua những lần thiên sứ báo mộng. Qua đó, cha đã chu toàn vai trò của mình như một người làm cha làm chồng gương mẫu trong gia đình Nazareth. Cha là người nghèo của Thiên Chúa, hoàn toàn tin tưởng và cậy dựa vào Thiên Chúa. Ai cũng thấy rõ, cha nghèo thật !
Đến đây con lại tự hỏi vậy con phải làm gì để noi gương của cha trong việc  “biến cái nghèo khó trong tinh thần trở thành một lối sống, một phần thực sự của đời sống mình”.
ĐTC nhắc nhở con trước tiên hãy cố gắng trở nên thanh thản đối với những gì là vật chất, không chiều theo thứ văn hóa hưởng thụ. Hãy quan tâm đến những gì là thiết yếu và xa tránh việc chiếm hữu cũng như việc sùng bái tiền bạc và tiêu xài phung phí. Muốn được như vậy con phải đặt Chúa Giêsu lên trên hết, chỉ có sức mạnh của Chúa mới giải phóng con khỏi tôn thờ ngẫu tượng khiến con trở thành nô lệ cho tiền của. Nếu không, con sẽ lao đầu vào ăn nhậu, liên hoan tiệc tùng. Người ta có đủ mọi lý do để đãi tiệc với “bia bọt”, nào là bổn mạng, khánh thành, khấn dòng, chịu chức, ngân khánh, sinh nhật… Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2013 Việt Nam đã tiêu thụ hết 3 tỉ lít bia, tương đương 3 tỉ USD. Như vậy trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 32 lít bia mỗi năm. Với mức tiêu thụ này, Việt Nam nằm trong tốp 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới, đứng thứ ba ở Châu Á, và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Cha thấy nể Việt Nam chưa ?
 Chính vì vậy, ĐTC nhắc nhở nếu con muốn sống theo Phúc Đức Trọn Lành này thì “cần phải chăm sóc và nhạy cảm trước những nhu cầu tinh thần cũng như vật chất của người nghèo, cần phải tỉnh táo và tránh khuynh hướng sống dửng dưng lạnh lùng, cần phải biết ở về phía người nghèo, chứ đừng chỉ biết nói năng về người nghèo! Hãy tiến ra gặp gỡ họ, nhìn vào mắt của họ và lắng nghe họ”.
  Con thấy có những mục tử đã “ở về phía người nghèo” như cha Frans van der Lugt, một linh mục người Hà Lan đang bị mắc kẹt tại Homs, nói với thông tấn xã Fides và tờ The Telegraph là các cư dân của thành phố Syria đang chết đói dần : “Thành phố của chúng tôi đã trở thành một khu rừng vô luật lệ. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để kêu gọi con người hành xử trong tình huynh đệ với nhau và không giết nhau vì đói… Sáng nay tôi đến thăm một trung tâm cho người khuyết tật. Trong ba ngày qua họ đã không còn gì để ăn ngoài mấy trái ô liu. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giúp đỡ, nhưng chúng tôi không thể làm được gì nhiều.” 
Homs là một thành phố cổ, nơi trước đây có ít nhất là 60,000 Kitô hữu. 
Cha Frans van der Lugt nói: “Bây giờ chỉ còn một mình tôi và 66 Kitô hữu khác. Chúng tôi sợ cộng đồng quốc tế bỏ rơi chúng tôi. Họ tìm kiếm những lợi ích chính trị trên những đau khổ của người dân Syria”
Mới đây, con cũng đọc được một “câu chuyện cổ tích của thế kỷ 21”, có giá trị rất lớn trong một xã hội mà văn hóa, đạo đức đang xuống cấp, đảo ngược mọi trật tự giá trị như câu ví “thứ nhất quan hệ, thứ nhì ngoại tệ, thứ ba công nghệ, và thứ tư mới là trí tuệ”! Thật mỉa mai quá phải không cha.
“Chị mua 10 tờ vé số, đem tặng một vé cho bạn nghèo. Chiều hôm ấy, 10 tờ vé số đều trúng. Bảy tờ trúng độc đắc trị giá hơn 10 tỷ đồng (mỗi tờ 1,5 tỷ đồng), ba tờ trúng an ủi (mỗi tờ 100 triệu đồng). Tờ vé số mà chị tặng người bạn nghèo là một trong ba tờ trúng an ủi.
Sáng hôm sau, chị đi tìm gặp người bạn nghèo. Câu đầu tiên chị nói với bạn là: “Ông trả lại tờ vé số cho tui”!
Sau khi cầm lại tờ vé số trúng an ủi từ người bạn, chị bèn rút một tờ trúng độc đắc tặng lại và nói: “Tui đổi cho tờ trúng độc đắc để hai ông bà mua cái nhà”. Bởi chị biết người bạn nghèo ấy đang không có nhà ở.  
Đây là câu chuyện thật 100%, mà người được tặng chiếc vé số – “ông bạn nghèo” trong câu chuyện – chính là nhạc sĩ Hữu Phần, em ruột của nghệ sĩ Quốc Hòa đã mất, cựu giám đốc Nhà Hát Ca Múa Nhạc Bông Sen Sài Gòn. Hiện nhạc sĩ Hữu Phần đang đi tìm mua nhà bằng số tiền từ chiếc vé số độc đắc mà người bạn vàng đã tặng.
Con có làm được như vậy không ?
Trong sứ điệp Ngày Thế  Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 48, được tổ chức hằng năm vào Chúa nhật trước lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (năm nay nhằm ngày 1-6), ĐTC nói rằng mặc dù chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng “nhỏ bé hơn”, một thế giới mà “những phát triển về giao thông và công nghệ truyền thông đang làm cho chúng ta xích lại gần nhau và gắn kết với nhau hơn” nhưng “vẫn còn những chia rẽ, có khi rất trầm trọng”. “Trên bình diện toàn cầu, chúng ta thấy khoảng cách đáng hổ thẹn giữa sự xa xỉ của người giàu và cảnh cơ cực của người nghèo… Thế giới chúng ta đang phải chịu đựng nhiều hình thức loại trừ, gạt ra bên lề và nghèo đói”.
“Truyền thông có thể giúp chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn, đặc biệt là internet đem lại những khả năng lớn lao cho gặp gỡ và liên đới”, đó là “món quà của Thiên Chúa”.
Con có biết sử dụng món quà ấy để loan báo Tin Mừng, để làm cho con người gần gũi nhau, hiểu nhau, và cảm thông nhau, hay chỉ để “lướt web”, chơi game, tìm bạn bốn phương. Con có thấy hổ thẹn khi sống giầu có xa hoa giữa những người nghèo khổ cơ cực, khi xây dựng những cơ sở đồ sộ lộng lẫy, xài toàn “hàng độc”, không đụng hàng, dù giá thành mắc gấp mấy lần “hàng dạt”. Mục đích chơi trội như thế để làm gì, chắc cha biết rõ rồi!
Để chúng con đừng có thái độ kẻ cả tự mãn của người đi “làm phúc bố thí”, coi thường người nghèo khó, ĐTC nhấn mạnh : “Người nghèo là thành phần cống hiến cho chúng ta một cơ hội cụ thể để gặp gỡ chính Chúa Kitô và chạm đến xác thịt đau thương của Người. Người nghèo có thể dạy chúng ta nhiều về lòng khiêm nhượng và niềm tin tưởng vào Thiên Chúa…”
Để giúp con theo gương cha, sống gắn bó với Đức Giêsu, trong bài giảng sáng 11-1-2014, tại nguyện đường thánh Marta, ĐTC căn dặn anh em linh mục chúng con: “Linh mục chân chính là người được Thiên Chúa xức dầu để phục vụ Dân Chúa. Vì thế linh mục phải có quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu. Khi thiếu quan hệ này thì linh mục trở thành người không còn được xức dầu nữa, thành người thờ ngẫu tượng, tôn thờ tà thần là chính cái tôi của mình.”
ĐTC nhấn mạnh, những linh mục đặt sức mạnh của họ nơi những điều hời hợt, trong sự háo danh, huênh hoang, không có quan hệ với Chúa Giêsu nữa thì đã đánh mất sự xức dầu. Họ sẽ tìm bù trừ tình trạng này bằng những thái độ phàm tục khác, vì thế có những thứ linh mục áp-phe, linh mục kinh doanh.
Con nghe ĐTC tha thiết kêu gọi: “Điều cứu chúng ta khỏi những sự trần tục, khỏi sự thờ thần tượng khiến chúng ta bị “giải dầu”, điều giữ chúng ta trong tình trạng được “xức dầu”, chính là quan hệ với Chúa Giêsu Kitô… Anh em hãy đánh mất mọi sự trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ đánh mất quan hệ này với Chúa Giêsu Kitô! Đó chính là chiến thắng của chúng ta!”
Cha ơi,
Cha cầu cho con chấp nhận đánh mất mọi sự trong cuộc sống này, nhưng đừng bao giờ để con đánh mất quan hệ với Chúa Giêsu, lạc mất Chúa Giêsu, cha nhé!
Ngày 4-2-2014, Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinée Xích Đạo, bên Phi châu, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, đã giới thiệu sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của ĐTC Phanxicô. Chủ đề sứ điệp xoay quanh một câu trong thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Côrintô “Thực vậy, anh em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để anh em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9)
“Thiên Chúa đã không làm cho ơn cứu độ rơi xuống trên chúng ta từ trời cao, như kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô! Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giordan và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành động vì thấy cần phải thống hối, hoán cải. Ngài làm như thế để hòa nhập giữa dân chúng là những người đang cần ơn tha thứ. Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Như thế, chính nhờ cái nghèo của Ngài mà chúng ta được trở nên giàu sang, tức là được trở nên đồng thừa tự với Chúa Kitô trong danh phận là con Thiên Chúa…
Mùa Chay là một thời gian thích hợp cho việc từ bỏ bản thân mình; cần tự vấn là chúng ta có thể từ bỏ những gì để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên giầu có nhờ cái nghèo của chúng ta. Đừng quên rằng cái nghèo thực sự là những gì gây đớn đau. Không có chuyện bỏ mình thực mà lại thiếu chiều kích này. Tôi không tin vào một thứ bác ái không phải trả giá gì và không gây đau đớn chi.”
Thưa cha kính yêu,
Khép lại lá thư, con xin mượn lời của ĐTC Phanxicô để nhắc nhở chính con hãy biết noi gương cha, vững bước trên con đường loan truyền lòng Chúa xót thương, con đường yêu thương phục vụ trong niềm tín thác, bất chấp mọi khó khăn trở ngại.
“Trong việc rao giảng các Phúc Đức Trọn Lành này, Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy theo Người và cùng Người đồng hành dọc theo con đường yêu thương, con đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời. Đó không phải là một con đường dễ đi, nhưng Chúa đã hứa ban cho chúng ta ân sủng của Người và Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
“Chúng ta đang đương đầu với rất nhiều thử thách trong đời như nghèo khổ, buồn đau, ô nhục, tranh đấu cho công lý, bị bách hại, khó khăn trong vấn đề đối thoại hằng ngày, nỗ lực để trung thành với ơn gọi nên thánh của chúng ta, và nhiều thử thách khác nữa. Thế nhưng, nếu chúng ta mở cửa cho Chúa Giêsu và để cho Người trở thành một phần đời của mình, và nếu chúng ta chia sẻ niềm vui nỗi buồn với Người, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được an bình và niềm vui mà chỉ duy một mình Thiên Chúa là tình yêu vô cùng mới có thể ban cho chúng ta mà thôi.”
Lm. Giuse Trần Đình Long

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Cầu nguyện Taizé - Những điều cần biết

Linh hoạt viên cần biết


HƯỚNG DẪN CÁCH THỨC CẦU NGUYỆN
THEO PHƯƠNG PHÁP CỦA CỘNG ĐOÀN TAIZÉ

A - GIỚI THIỆU
Cầu nguyện Taizé là cách gọi tắt của cách cầu nguyện theo phương pháp của cộng đoàn Taizé.
Taizé là một ngôi làng nhỏ khoảng 800 dân. Được thành lập do thầy Rozé vào năm 1940. Hiện nay, cộng đoàn này gồm khoảng trên 100 thành viên đến từ trên 20 quốc gia. Nhưng điểm đặc biệt hơn cả là các thành viên ở đây thuộc mọi tôn giáo khác nhau. Để mưu sinh, các thành viên trong cộng đoàn phải tự lao động để lấy của nuôi thân.
Trước những khó khăn thách thức của thế giới cũng như của cuộc sống hôm nay, chúng ta phải làm gì?
Con người sẽ không thể sống chung với nhau nếu họ không biết tha thứ và cảm thông với nhau. Sự cảm thông và tha thứ đó chỉ có thể có được thông qua cầu nguyện.
Đó là động lực giúp cộng đoàn Taizé thành lập, duy trì và phát triển không ngừng cho đến hôm nay.
Với chủ trương lao động, cầu nguyện và sống đời sống cộng đoàn, hòa giải và hiệp nhất với nhau mà cộng đoàn Taizé đã giúp mọi người tìm lại chính mình, sống tương quan với Thiên Chúa bằng hình thức cầu nguyện đơn giản, không chỉ bằng lời nói cho bằng chính đời sống chứng tá của mình.

1 - Mục đích của buổi cầu nguyện
Là lắng nghe, đón nhận Lời Thiên Chúa, đặc biệt qua những bài hát.
Trong giờ cầu nguyện, sau khi ý thức mình đang hiện trước mặt Chúa, cộng đoàn được mời gọi hãy để cho Lời Chúa dẫn đi, có thể bằng lắng nghe đoạn Kinh Thánh, hoặc những gợi ý cầu nguyện, hoặc qua những bài hát nhẹ nhàng được lặp lại nhiều lần.
Chủ đề Lời Chúa cũng như các câu Kinh Thánh được chọn lựa theo ngày, hoặc theo một số chủ đề đặc biệt hỗ trợ các bạn trẻ: sám hối, tạ ơn, dấn thân…

2 - Bài Tin Mừng
Nội dung bài Tin Mừng (Phúc Âm) chính là nòng cốt để xây dựng nên buổi cầu nguyện: chủ đề suy niệm, những gợi ý suy niệm để cầu nguyện riêng, những lời cầu nguyện và những bài hát được chọn để khai triển ý chính của bài Tin Mừng. Nói cách khác, sứ điệp Lời Chúa được lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đó, dễ dàng thấm nhập vào trong tâm hồn mỗi người.
·         Các bài đọc là những bài dùng trong Phụng vụ.
·         Thường chọn một đoạn ngắn.
·         Không nên dùng chú giải Thánh Kinh trong quá trình cầu nguyện.
·         Nhưng có thể chia sẻ Kinh Thánh trước giờ cầu nguyện.
3 - Lời nguyện cầu xin:
Những lời cầu xin theo cộng đoàn Taizé  thường đơn giản, ngắn gọn, mang tính tung hô và gợi ý, giống cấu trúc của lời nguyện giáo dân trong  Thánh Lễ.
Những lời cầu nguyện này thường được mở đầu bằng một câu Lời Chúa được lặp đi lặp lại trước mỗi ý nguyện, giúp cộng đoàn dễ ghi nhớ.
Tiếp theo là những tâm tình cầu xin, được gợi ý từ câu Lời Chúa ở trên, cầu cho bản thân, cho những người xung quanh được sống Lời Chúa dạy trong những tình huống khác nhau của cuộc sống.
4 - Những bài Thánh ca sử dụng trong quá trình cầu nguyện
Khi sử dụng những bài Thánh ca, ngoài việc lưu ý đến nội dung, chủ đề và ca từ, thì tiêu chuẩn để một bài hát được chọn là có tính tính cách suy niệm và những đặc tính: êm dịu, tiết điệu không quá vui nhộn, các quãng không quá xa và kỹ thuật không quá phức tạp.
Khi hát, lúc đầu hát lớn vừa phải, sau đó nhỏ dần (có thể lặp lại 3 – 7;8 lần)
Tại sao lại phải lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy?
-          Việc lặp lại nhiều lần, giúp người tham dự dễ thuộc lòng
-          Để Lời Chúa thấm nhập vào lòng mỗi người
-          Nhờ lặp đi lặp lại giúp người ta tập trung hơn
-          Chính Thiên  Chúa luôn thích lặp lại:
Vd: Trong Kinh Thánh từ “hãy nghe” lặp lại 600 lần; từ “đừng sợ” lặp lại 300 lần. Hay khi đọc kinh Mân Côi chúng ta lặp lại Kinh Kính Mừng 50 lần…
Khi hát những bài Thánh Ca hoặc những câu Lời Chúa quan trọng được dệt nhạc vào, phải hát sao cho hợp với tâm tình cầu nguyện. Hát với Chúa như hát với người mình yêu, nên phải nhẹ nhàng và ấm êm. Chính nhờ đó mà Cầu nguyện cùng với việc hát thánh ca đúng cách sẽ giúp cộng đoàn tìm lại được bình an trong tâm hồn.
5 - Tư thế cầu nguyện
Trong quá trình cầu nguyện, có thể đứng, ngồi hoặc quỳ, tùy theo mỗi người, miễn sao cho mình có thể thoải mái để cầu nguyện tốt nhất.

B - DIỄN TIẾN CỦA MỘT BUỔI CẦU NGUYỆN THEO CỘNG ĐOÀN TAIZÉ
I - CHUẨN BỊ
– Chuẩn bị một nơi có bầu khí cho một buổi cầu nguyện suy niệm
- Tiếp đón cách ân cần những người đến tham dự.
- Khi có thể, tốt nhất là tụ họp trong một nhà thờ.
- Trong cầu nguyện, chính Đức Kitô là trung tâm, nên sắp xếp làm sao để mọi người tham dự đều cùng nhìn về một hướng.
- Chuẩn bị một cây Thánh Giá, một cuốn Phúc Âm, một vài cây nến…
- Aùnh sáng trong buổi cầu nguyện phải được giữ cho không quá sáng.
- Có người làm trưởng nghi (MC) để hướng dẫn buổi cầu nguyện.

Lưu ý:
  • Khi buổi cầu nguyện đã bắt đầu, không nên có bất cứ thông báo hay giải thích gì khác để không cản trở sự hồi tâm của cộng đoàn.
  • Diễn tiến của buổi cầu nguyện từ nhanh đến chậm dần. Lúc đầu, sau mỗi phần, sẽ có một khoảng thinh lặng ngắn từ 1 – 2 phút, cho tới cao điểm là bài ca suy niệm sau Tin Mừng, sẽ có một khoảng thinh lặng dài khoảng 5 – 7 phút để cầu nguyện riêng.

II – DIỄN TIẾN MỘT BUỔI CẦU NGUYỆN
1 - Chuẩn bị tâm hồn trước khi bước vào buổi cầu nguyện:
– Hát kinh Chúa Thánh Thần
– Giới thiệu chủ đề Lời Chúa của buổi cầu nguyện
– Một bài hát với tâm tình ngợi khen, chúc tụng

2 - Thánh vịnh (có thể hát hoặc đọc, tùy theo cộng đoàn)
Ý nghĩa:
Chính Đức Giêsu đã cầu nguyện bằng những kinh nguyện cổ xưa của dân tộc Ngài. Từ đó, các kitô hữu cũng tìm thấy ở nơi các Thánh Vịnh niềm vui và nỗi buồn, niềm tin tưởng của họ nơi Thiên Chúa.
Nên chọn những câu Thánh Vịnh mà mọi người đã quen thuộc.
Nếu sử dụng Thánh Vịnh khác thì chỉ nên chọn một vài câu sao cho có ý nghĩa phù hợp với chủ đề và tâm tình của buổi cầu nguyện, không nhất thiết phải đọc hết cả Thánh Vịnh đó.
Cách thực hiện
- Thánh Vịnh (sau mỗi câu của Thánh Vịnh, cộng đoàn lặp lại điệp khúc, hoặc một câu hát ngắn)
- Sau Thánh Vịnh, cộng đoàn thinh lặng (từ 1 – 2 phút)

3 - Lắng nghe Lời Chúa
Ý nghĩa:
Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa ngỏ với loài người. Đặc biệt trong Tin Mừng, Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người qua Con Một rất yêu dấu của Ngài. Như trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Dothái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng miệng các tiên tri mà phán dạy cha ông chúng ta. Nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con”.
Chính trong Tin Mừng, chúng ta có thể cảm nhận được Lời Chúa đang nói với chúng ta trong mọi cảnh huống khác nhau của cuộc sống hôm nay. Vì thế, trước khi công bố Lời Chúa, nên chọn một bài hát ca ngợi ánh sáng có ý nói lên Đức Kitô là ánh sáng thật, áng sáng không bao giờ tàn lụi.
Cách thực hiện
Nên chọn một người có giọng đọc tốt, đọc từng đoạn ngắn với câu đáp của cộng đoàn, để Lời Chúa có thời giờ ngấm vào trong tâm hồn người nghe. Sau mỗi đoạn Tin Mừng ngắn đó, có thể lặp lại điệp khúc của một bài hát.

4 - Bài hát suy niệm:
- Sau khi công bố Tin Mừng, hát một bài hát suy niệm hợp với chủ đề của bài Tin Mừng. Có thể chọn một bài hát dài, có nhiều phiên khúc để diễn tả tâm tình.

5 - Thinh lặng:
Yù nghĩa:
Thịng lặng trong cuộc sống là điều cần thiết, đặc biệt là trong cuộc sống quá ồn ào náo động ngày hôm nay. Bởi có thinh lặng, chúng ta mới có thể lắng nghe người khác, mới có thể nhìn lại chính mình để kiểm điểm bản thân.
Thinh lặng lại càng là thái độ cần thiết hơn của con người trước Thiên Chúa. Như trường hợp của ngôn sứ Isaia xưa kia khi ông được Thiên Chúa cho giáp mặt Ngài. Lần đó, Thiên Chúa không ở trong cơn sấm chớp, không hiện diện trong cơn bão giông, nhưng Ngài ở trong tiếng gió hiu hiu thổi. Chính vì thế mà các Thánh xưa đã chọn sa mạc làm nơi để đối thoại với Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống tại thế của Ngài đã làm gương cho chúng ta khi nhiều lần Ngài tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện.
Thinh lặng không những là để lắng nghe tiếng Chúa nói mà còn là để cho chính Thần Khí của Ngài hoạt động nơi chúng ta.
Cách thực hiện
Sau bài hát suy niệm, cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện riêng (từ 5 – 7 phút)
Đối với những cộng đoàn không quen việc thinh lặng, có thể có một vài gợi ý ngắn để giúp họ dễ cầu nguyện trong thinh lặng hơn.

6 – Lời cầu nguyện
Yù nghĩa:
Bằng những lời nguyện cầu xin hoặc chúc tụng, chúng ta có thể vươn mọi chiều kích của gia đình nhân loại. Qua đó, chúng ta phó thác cho Thiên Chúa những niềm vui và nỗi buồn của con người, dâng niềm vui của những người hạnh phúc cũng như phó thác những ai đang lâm cảnh lầm than, khốn khổ cho tình yêu và lòng nhân hậu vô biên của Ngài.
Cách thực hiện
Lời Nguyện có thể là lời nguyện cầu xin hoặc lời nguyện chúc tụng
Cộng đoàn đáp lại sau mỗi lời cầu nguyện bằng những câu ngắn như: Lạy Đức Kitô, xin thương xót chúng con; Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa; Xin Chúa nhận lời chúng con…
Lời cầu nguyện có thể do một hay nhiều người đã được chỉ định trước đọc. Sau lời nguyện, nên dừng lại 1 – 2 phút để mỗi người có thể dâng những ý nguyện riêng.

7 – Kinh lạy Cha
8 – Lời nguyện của vị chủ sự
9 – Phép lành
10 – Bài hát kết thúc.

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.
 
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào. 

tâm tình tháng 11

Lạy Chúa Giêsu,
nếu người ta cứ phải sống mãi trên cõi đời này
thì thật là phiền toái.
Nhưng cái chết vẫn làm chúng con đau đớn
vì phải chia tay với những người thân yêu,
vì bao mộng mơ, dự tính còn dang dở.
Xin cho chúng con đừng nhìn cái chết
như một định mệnh nghiệt ngã và phi lý
nhưng như một hành trình
trở về nguồn cội yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết thập giá,
Chúa đã run sợ, nhưng không tháo lui,
và Chúa đã chết trong niềm vâng phục tín thác,
để trở nên người đầu tiên bước vào cõi sống viên mãn.
Xin cho chúng con nghe được lời dạy dỗ của cái chết.
Cái chết cho thấy cuộc sống mong manh, ngắn ngủi,
chính vì thế từng giây phút trôi qua thật quý báu.
Cái chết bất ngờ mời gọi chúng con luôn tỉnh thức.
Cái chết nhắc nhở chúng con là khách lữ hành
đang trên đường về quê hương vĩnh cửu.
Sống một đời và chết một lần.
Lạy Chúa, đó là thân phận làm người của chúng con.
Xin dạy chúng con biết cách chết nhờ biết cách sống. Amen.