Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

Ngài muốn con làm gì, lạy Chúa...?

Khi cánh cửa đường đời con sập đóng
con một mình, và bóng tối vây quanh
giấc mơ con vụn vỡ tan tành.
Ngài muốn con làm gì, lạy Chúa ..?

Khi cánh cửa đường đời con sập đóng
xin dạy con biết kham nhẫn đợi chờ
vì cuộc đời đâu như là mơ
khi chỉ một mình con chèo chống.
Một mình con mơ chân trời sao đủ rộng
cho cánh chim bạt gió băng ngàn…
Khi con tưởng cửa đời con sập đóng
Ngài mở ra bao lối nẻo huy hoàng
Ngài đặt con vào chính lộ thênh thang
Ngài dắt con đi giữa muôn vàn bỡ ngỡ
Những cánh cửa cuộc đời đóng mở
Con bước đi theo lối bước của Ngài.
Cao Gia An, S.J

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Đời tu sĩ

Kết quả hình ảnh cho tu sĩ
Thi thoảng trên phố chợ đông người,
những bước chân trần,
bóng ni cô bước chậm âm thầm trong màu áo xám.
Hay đâu đó,
Trên con đường quê bùn lầy nước đọng,
Thấp thoáng người nữ tu,
vừa lặng lẽ đi qua trong bóng chiếc áo dòng đen !
Rồi có một chiều,
Khi hoàng hôn chưa kịp dâng lên,
Có chuyện lạ :
Bên ngôi chùa đổ có nhà sư đang ôm mặt khóc ?
Và ở ngoài kia,
bên trong cái toà án ồn ào ô trọc,
có ông cha nhà thờ,
bị còng tay ra trước vành móng ngựa, xót xa !...
Thì ra,
Trong cái cõi đời tạm bợ, thối tha,
sư ôm mặt khóc, cha bị kết tội,…
chẳng qua chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” !
Nhưng bù lại,
Đó đây vẫn vang rộn
tiếng cười dòn nơi nhà thương hay cô nhi viện,
của những em bé mồ côi,
những chàng trai, cô gái mang “nghiệp chướng si-đa”…
Thì ra,
Trên muôn vạn nẻo đường thế giới bao la,
Vẫn còn những ni cô, những ma xơ,
Những sư cụ, những cha nhà thờ,
Những bước chân trần trên những đường đi hẹp.
Họ mang đến cho cuộc đời,
Những đoá hồng tình yêu thật đẹp,
Những “nụ hôn tinh tuyền”,
Được làm bằng những mật ngọt hy sinh.
Vâng, đời tu,
Lời chứng thập đẹp của những “chuyện tình”,
Tình phục vụ, xả thân,
để mỗi ngày sáng lên và tiêu hao như ngọn nến !

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Tình bạn tinh thần đã nâng đỡ Thánh Thérèse trong năm cuối đời của chị

Trong cuốn sách The Four Loves của mình, C.S: Lewis đã viết: “Tình bạn … được sinh ra vào khoảnh khắc một người nói với người kia “Chuyện gì vậy! Bạn cũng?”
Thánh Thérèse thành Lisieux đã có một khoảnh khắc “Bạn cũng?” với một thầy chủng sinh tên là Maurice Bellière vào năm cuối đời của chị. Diễn tả tình bạn duy nhất của chị trong cuốn tự truyện, chị viết:
Khi tình bạn làm hài lòng Chúa Giêsu để thắt chặt hai tâm hồn vì vinh quang của Người, Người cho phép họ thỉnh thoảng chia sẻ những tư tưởng của nhau để khích lệ nhau yêu mến Thiên Chúa hơn.
Những lá thư gửi tới và đến từ Maurice khoảng 60% là thư trả lời vào bốn tháng cuối đời của chị Thérèse. Lúc đầu, Thérèse viết để khuyến khích Maurice yêu mến Thiên Chúa, nhưng cuối cùng chị lại nhận được điều thật giá trị: một người bạn ân cần với chị trong giờ phút tối tăm nhất của chị.
Một sự cầu xin giúp đỡ. Maurice Bellière, một thanh niên trẻ đầy năng lực người miền Bắc nước Pháp, nổi tiếng trong chủng viện vì kỹ năng tưởng tượng và hành động sâu sắc của thầy. Nhưng khi bước vào năm thứ hai của chương trình học vào tháng Mười năm 1895, thầy cảm thấy xao xuyến, thậm chí tuyệt vọng. Một tiếng nói cứ luẩn quẩn trong đầu bảo thầy rằng “bạn sẽ chẳng bao giờ thánh thiện đủ để trở thành một linh mục, hãy là một nhà truyền giáo thôi”. Bị phiền phức bởi những nghi ngờ, Maurice biết rằng thầy cần sự trợ giúp.
Vào kỳ tĩnh tâm năm của các chủng sinh với Giáo phận Bayeux và Lisieux, Maurice đã nghe một số người nói về Tu viện Carmelite ở thành Lisieux. Trong số các nữ tu có một số người là con gái của gia đình Martin thành Lisieux, tất cả những người nữ thánh thiện ấy đã tận hiến để chuyên tâm vào việc cầu nguyện.
Maurice đã quyết định viết cho seour Bề trên – một trong những người chị em của gia đình Martin. Thầy đã xin seour chọn một nữ tu để cầu nguyện cho thầy, ai đó có thể “tận hiến chính mình cách đặc biệt cho ơn cứu độ của linh hồn con và dành cho con ân sủng được trung thành với ơn gọi mà Chúa đã ban cho con”.
Mẹ Agnes đã viết lại cho thầy, mẹ nói với thầy rằng mẹ đã chọn seour Thérèse em gái của mẹ để đảm nhận lời thỉnh cầu của thầy.
Được cứu độ nhờ những lời cầu nguyện trung thành. Ngày đó khi đang ở nhà giặt đồ Mẹ Agnes đưa cho Thérèse lá thư kế tiếp về lời thỉnh xin cầu nguyện cho thầy. Đang đứng với các chị em khác, Thérèse hào hứng nhận thêm thông tin. Maurice sắp bắt đầu năm phục vụ quân sự. Thầy đã hy vọng “nỗ lực vì Thiên Chúa” và trở về với những câu chuyện của những người lính hoán cải trở lại với Chúa Kitô. Nhưng thực tế đã không như thế. Thay vì đem người ta tới gần Thiên Chúa thì Maurice đã buông trôi xa rời Chúa hơn. Chín tháng sau đó, vào tháng bảy năm 1986, thầy kể trong lá thư thứ ba gửi tới cho tu viện rằng thầy đã phạm “những sai lầm ngớ ngẩn” tại chỗ đóng trại. Thầy đã thỉnh cầu Mẹ Agnes hãy xin Thérèse cầu nguyện gấp đôi cho thầy.
Mới hai mươi hai tuổi, Thérèse đã ngã bệnh. Việc cầu nguyện cho ơn gọi của Maurice đã là một nguồn an ủi tinh thần cho chị vào đúng thời khắc chị bắt đầu trải nghiệm những sự nghi ngờ đang bám vào nền tảng đức tin của chị. Những lá thư của Maurice đã cung cấp một tiêu điểm mới cho lời cầu nguyện của Thérèse và chị đã bắt đầu cầu nguyện hằng ngày cho thầy.
Khoảng tháng Mười năm 1896, Maurice đã trở lại chủng viện và trở về với đôi chân tinh thần của mình. Thầy quy gán điều này cho Thérèse. Khi lá thư kết tiếp của thầy gửi đến, Mẹ Agnes đã đề nghị Thérèse hãy trả lời trực tiếp. Vì thế, thư từ qua lại của hai người bắt đầu tiến triển: một sự góp chung tinh thần trong sứ mạng khiến thầy chủng sinh cũng như vị thánh sẽ không bao giờ quên.
Một người anh em không mong đợi. Mặc dù Thérèse đang khuyên Maurice cách tinh thần, Thérèse cũng đã bắt đầu vui thích với những lá thư của thầy. Thậm chí chị gọi việc quan hệ thư từ của chị là “sứ vụ ngọt ngào”. Chị đã chia sẻ nghệ thuật thơ tinh thần của chị với Maurice và xin thầy đọc thuộc lòng một lời cầu nguyện đặc biệt hằng ngày cho chị. Cậu con trai duy nhất của gia đình Martin đã qua đời khi còn ấu thơ và Maurice lấp đầy chỗ thiếu ấy cho Thérèse. Chị nói thầy: “Lòng biết ơn của chị không thua kém lòng biết ơn của em dành cho Thiên Chúa chúng ta, Đấng đã ban cho chị một người em trai bé bỏng”. Ngay lập tức, Thérèse đã mang người em trai mới của mình vào trong truyền thống của gia đình Martin. Chị xin thầy gửi cho chị những ngày quan trọng của cuộc đời thầy. Thật rõ ràng vì nó cũng ở trên danh sách những ngày quan trọng của chị. Vào ngày 08 tháng chín năm 1890, ngày chị tuyên khấn trở thành một nữ tu dòng Carmelite, Maurice đã cảm thấy Thiên Chúa xác nhận ơn gọi của thầy để trở thành một linh mục và một nhà truyền giáo.
Điều đó làm cho Thérèse cảm thấy rằng Thiên Chúa muốn chị có chung phần với một linh mục truyền giáo. Từ lâu chị đã cảm phục cuộc sống truyền giáo nhưng rõ ràng chị lại cảm thấy mình được mời gọi tới đan viện. Bằng việc cầu nguyện và chịu đau khổ với người em tinh thần của mình, chị có thể thỉnh cầu một sự chia sẻ trong công việc của thầy. Chị viết cho thầy rằng “chúng ta hãy cùng làm việc với nhau vì ơn cứu độ của các linh hồn”.
Thậm chí không nhận ra điều đó, Maurice đã cho Thérèse nhiều món quà: tình anh em, một ơn gọi truyền giáo và một tình bạn tinh thần. Mặc dù thầy không tự cho mình là thánh thiện hay khôn ngoan một cách đặc biệt, Maurice đã hồi âm cho quan điểm và bài thơ của Thérèse với những lời lẽ đầy khuyến khích và nhiệt tình:
Dạ vâng, thưa Chị: “Chúng ta hãy để cho mình sống bằng tình yêu”. Không có Thiên Chúa, xung quanh chúng ta sẽ lạnh lẽo biết bao. Nhưng khi một sự nhiệt tình thánh thiện nung nấu tâm hồn chúng ta, thì thật là bình thản … Như có vị thánh đã nói: Khi chúng ta yêu mến, thì không còn bất cứ sự buồn phiền nào nữa.
Những lời của Maurice đã đem một tia ánh sáng vào căn phòng của Thérèse trong Tu viện. Bị bệnh trầm trọng với cơn sốt kéo dài, ho và mất sức, chị Thérèse đã được tự do khỏi những bổn phận hằng ngày của một tu sĩ dòng Carmelite. Vì điều này, Thérèse có ít việc để làm nhưng chị phải đau khổ và cầu nguyện.
Môn đệ của Con Đường Bé Nhỏ. Trước Phục Sinh năm 1897, Thérèse biết chị sắp chết, cho dù chị chưa muốn gặp Thiên Chúa lúc ấy cho đến tháng Chín cùng năm. Nằm trên giường của mình trong bệnh xá, chị nghĩ về việc làm thế nào để trả lời cho Maurice, thầy vẫn tiếp tục xin chị cố vấn cho. Bởi vì thầy cho biết thầy đang tiến triển chập chạp trong đời sống tâm linh, nên chị đã quyết định chia sẻ với thầy “Con đường Thơ Ấu mà Thiên Chúa đã chỉ cho chị.
Thérèse đã nói Maurice rằng thầy đừng sợ hãi sự phán xét của Thiên Chúa vì Thiên Chúa thì giàu tình thương xót. Maurice có thể lệ thuộc vào tình yêu đó như một đứa con thơ. Thérèse đã tin tưởng vào Người “con không phải là một tâm hồn vĩ đại, nhưng chỉ là một con người rất nhỏ bé và rất bất toàn”. Điều đã cho Thérèse niềm hy vọng chính là sự không thánh thiện của chị, nhưng Thiên Chúa có khả năng biến đổi một hành động tốt lành nhỏ bé nhất của chị thành điều gì đó rất giá trị. Sau khi đọc những bài học đơn sơ nhưng sâu sắc mà Thiên Chúa đang chỉ cho Thérèse, thầy Maurice viết lại như sau:
Chị có biết rằng chị đang mở ra cho em những chân trời mới không? Đặc biệt trong lá thư cuối cùng của chị, em đã tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc về lòng thương xót của Chúa Giêsu, về sự thân mật mà Người nâng đỡ em … điều mà mãi tới bây giờ thật khó xảy ra với em … Em được chị hướng dẫn, điều mà em thích làm riêng em.
Maurice đang trưởng thành về đường thiêng liêng và đồng thời đang trở nên hòa hợp với Thérèse trong tâm trí và tâm hồn. Điều này nâng đỡ Thérèse rất nhiều vào những giây phút chị cảm thấy bị bao bọc trong sự tối tăm. Những tư tưởng đầy hy vọng đã bắt đầu tràn ngập tâm trí chị. “Con đường thơ ấu” cũng có ý nghĩa với những người khác. Maurice, em trai của chị, sẽ hoàn thành ơn gọi của thầy nhờ những lời cầu nguyện của chị. Cuộc đời tu kín và đầy đau khổ của chị thật giá trị biết bao!
Sự Hiệp Thông của Các Thánh. Trong lá thư trước, Thérèse đã giải thích cho Maurice những điều mà chị mong đợi thiên đàng như phải dành cho chị:
(Ở trên trời) chị muốn cùng một điều mà chị muốn ở trần gian: là yêu mến Chúa Giêsu và làm cho Ngài được yêu mến… Vai trò của chúng ta sẽ tương tự như thế. Nhiệm vụ của em là làm công việc tông đồ, còn nhiệm vụ của chị sẽ là cầu nguyện và yêu mến.
Trước mùa hè cuối cùng, Thérèse cận kề cái chết. Chỉ lúc đó Thérèse mới cho thầy Maurice biết tình trạng của chị. Thầy đã đáp lại ngay lập tức. Thầy mở đầu lá thư: “Thật là bất ngờ cho tâm hồn đáng thương của em! Nó chưa được chuẩn bị về điều này”. Rồi thầy viết tiếp: “Chị gái bé nhỏ, chị đi đi. Xin chị đừng để cho Chúa Giêsu phải đợi chị thêm nữa”.
Cuối cùng, Maurice tin tưởng những gì Thérèse đã khẳng định: sự liên kết của hai người sẽ được thêm mạnh mẽ trong vĩnh cửu, chứ không mất đi. “Tâm hồn chị sẽ hướng dẫn tâm hồn em, tâm hồn chị sẽ nói với tâm hồn em và sẽ an ủi tâm hồn em – trừ phi Chúa Giêsu, Đấng đã bị quấy rầy bởi sự phàn nàn của em, không muốn điều đó”, thầy nói với chị với một chút hài hước.
Maurice và Thérèse đã trao đổi nhiều thư hơn trước khi chị chết vào ngày 30 tháng Chín năm 1897. Thật do ý Chúa quan phòng, vào đúng ngày Thérèse về trời, Maurice đã đến Châu Phi để bắt đầu cuộc sống của thầy như một nhà truyền giáo. Thầy được chịu chức linh mục vài năm sau đó. Cha Maurice tiếp tục cầu nguyện cho Thérèse và cha xin chị chuyển cầu cho cha cho đến khi lìa đời vào năm 1907.
Ánh sáng của tình bạn. Năm cuối cùng của Thánh Thérèse có lẽ là giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời chị – cả về thể lý lẫn tinh thần. Thật hết sức ngạc nhiên là dù trong tình trạng như vậy mà chị vẫn chia sẻ sự khôn ngoan tinh thần và cầu nguyện rất thường xuyên cho Murice. Nhưng còn ngạc nhiên hơn nhiều là một thầy chủng sinh dù đang phải chiến đấu và không chắc chắn về ơn gọi của mình, vẫn có thể mang đến cho cuộc đời của chị thánh một ánh sáng và niềm hy vọng như vậy.
Maurice đã xác nhận Thérèse và đã cảm thông với chị. Thầy đã theo đuổi Chúa Kitô như chị đã làm và quan tâm đến mọi vấn đề mà chị đã quan tâm. Thầy đã trở nên người bạn cũng như người học trò của Thérèse. Thầy có thể ít trưởng thành về tâm linh hơn Thérèse, nhưng thầy vẫn động viên chị khi chị cần – và đó là một món quà rất giá trị.
Chúng ta chẳng phải đang ở trong một nơi tốt lành để trao tặng tình yêu và sự động viên của Thiên Chúa cho những người xung quanh chúng ta sao. Nếu chúng ta đang làm tốt, Thiên Chúa chắc chắn sử dụng nó. Nhưng nếu chúng ta đang chiến đấu hay đang nghi ngờ, Thiên Chúa cũng có thể dùng nó! Chúa Thánh Thần làm việc qua những điều thường nhật nhất giữa chúng ta để làm cho nhau nên thánh. Các linh mục có thể được truyền cảm hứng bởi một sự thú tội chân thành hoặc một lời lẽ tử tế của một giáo dân. Cha mẹ, thầy cô và bạn bè của chúng ta có thể được nâng lên nhờ những lời cám ơn hoặc sự thông cảm của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có cái gì đó để cho đi, đặc biệt khi mục đích của chúng ta là cho đi và đón nhận tình yêu, như Maurice và Thérèse đã làm.
Bài báo này trích từ cuốn sách Maurice and Thérèse: Câu chuyện của một Tình Yêu.
Theo the Word Among usMeditations and Issues for January 2018Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Quotes

1) Quote cuộc sống

  1. "Hãy sống một cuộc đời thú vị. Kể cả việc bạn có phải chịu khổ hay bất hạnh nhưng nếu bạn có niềm tin vào cuộc đời và nỗ lực học tập, làm việc mỗi ngày thì đến một lúc nào đó thành công, bạn sẽ phải cảm ơn những giây phút dù thật sự đắng cay".
  2. Một dòng sông không có thác ghềnh sẽ trở thành dòng sông êm đềm. Nhưng dòng thời gian mà thiếu đi những mốc son dấu ấn thì sẽ trở thành vô vị.
2) Quote tri thức
  1. “Không phải anh cần sách đâu, cái anh cần là thứ đã từng nằm trong sách. Cái anh tìm không phải là sách! Hãy thu gom nó bất cứ khi nào anh có thể tìm được nó, trong những đĩa cũ, những bộ phim cũ, và ở những người bạn cũ, tìm nó trong thiên nhiên và tìm nó trong chính anh. Sách chỉ là một dạng vật chứa nơi ta lưu nhiều thứ mà ta sợ mình có thể quên.”
  2. Cuộc đời chúng ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc
3) Quote khác
  1. "Trong tình bạn, người ta chẳng đưa nhau ra tòa thị chính đăng kí, thế nên chẳng thật sự có ngày kỉ niệm... Thế nhưng nó vẫn có thể kéo dài cả đời bởi vì ta đã chọn nhau.."
  2. "Sự yên lặng thật trong sạch. Nó kéo người ta lại gần nhau vì chỉ có những người thấy thoải mái với nhau mới có thể ngồi bên nhau mà không nói gì." _Nhật ký - Nicholas Sparks_

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Thư tháng 4: Lời Khuyên Của Thánh Tôma Về Việc Học

            Tiếp nối chủ đề về chân lý, xin mời anh chị em đọc lại lời thánh Tôma Aquinô khuyên một môn sinh về việc học. Sau đó, xin triển khai vài điểm nhấn và vài gợi ý trong việc thực hành lời dạy của thánh nhân.

Lời khuyên của thánh Tôma
Anh Gioan thân mến trong Chúa Kitô !
Anh đã hỏi tôi về cách thức học hành làm sao để có thể thủ đắc sự hiểu biết, tôi xin khuyên anh vài điều sau đây :
Anh đừng muốn đi thẳng xuống biển, nhưng hãy từ từ lần theo các dòng suối nhỏ. Hãy đi từ điều dễ cho đến điều khó. Đó là điều mà tôi nghĩ là một quy luật. Hãy chậm nói và từ tốn lên tiếng phát biểu. Hãy giữ lương tâm tinh tuyền. Đừng bỏ qua việc cầu nguyện. Hãy yêu mến sự thinh lặng trong phòng riêng nếu anh muốn được dẫn vào kho tàng kiến thức.
Hãy hòa nhã với mọi người. Đừng tọc mạch muốn biết công chuyện riêng tư của người khác. Đừng quá thân mật với ai hết, bởi vì sự thân mật dễ đưa đến suồng sã và làm xao lãng việc học hành. Đừng nhúng mình vào chuyện thế sự. Tránh bàn tán những chuyện nhảm nhí. Hãy gắng bắt chước gương tốt của những bậc thánh hiền.
Không cần biết ai là tác giả của một câu nói, nhưng hãy biết tiếp nhận điều tốt mà họ nói. Hãy cố gắng hiểu điều mà anh đang đọc hay nghe. Hãy khai thông mọi điều ngờ vực, và lưu giữ trong ký ức những gì có thể được. Đừng tìm kiếm những gì vượt quá khả năng của mình. Anh hãy cố gắng theo các điều vừa nói, tôi tin chắc rằng anh sẽ đạt được điều ước nguyện.
Xin được triển khai theo các nội dung chính sau :

Mở lòng đón nhận chân lý
            Trước tiên ta thấy thánh Tôma cổ võ một tinh thần cởi mở, sẵn sàng đón nhận chân lý đến từ bất cứ hướng nào. Qui tắc này giúp chúng ta gạt bỏ những thành kiến, vượt qua rào cản các khác biệt về nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và cả tôn giáo, để nhận ra những giá trị phù hợp với tin mừng mà Đức Kitô và hội thánh rao giảng. Tất cả dựa trên niềm tin vào Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa. Đấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại và luôn gợi lên trong lương tâm mỗi người, khát vọng tìm kiếm những gì là tốt đẹp và đúng đắn, khát vọng hướng về chân thiện mỹ.
            Nhớ lại trong tin mừng thánh Máccô, khi các môn đệ tỏ vẻ khó chịu vì có kẻ dám lấy danh Chúa mà trừ quỷ, Đức Giêsu bảo : “Đừng ngăn cản họ, vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta" (Mc 9, 39-40),

Học gì và học thế nào
            Tuy nhiên các tài liệu không có cùng giá trị như nhau. Không nên quá tham lam, nhưng biết chọn sách theo nội dung mình cần, chọn tác giả uy tín và chuyên môn. Vì thời giờ hạn chế, nên ưu tiên chọn các tác phẩm vừa tầm, ngắn gọn và xúc tích. Cụ thể về thần học và giáo lý, nên sử dụng các sách giáo trình hoặc toát yếu, trước khi nghiên cứu những tài liệu chuyên sâu. Đó cũng là điều thánh Tôma căn dặn :
            "Anh đừng muốn đi thẳng xuống biển, nhưng hãy từ từ lần theo các dòng suối nhỏ. Hãy đi từ điều dễ cho đến điều khó (...)  Hãy cố gắng hiểu điều mà anh đang đọc hay nghe. Hãy khai thông mọi điều ngờ vực, và lưu giữ trong ký ức những gì có thể được. Đừng tìm kiếm những gì vượt quá khả năng của mình".
            Ưu tiên số một của chúng ta là Lời Chúa. Quy luật Huynh đoàn số 10 ghi rõ : "Để hoàn thành ơn gọi của mình, người giáo dân Đa Minh tìm thấy sức mạnh chủ yếu từ việc lắng nghe Lời Chúa và đọc Kinh thánh, nhất là Tân Ước". Cách riêng trong năm 2019 này, xin anh chị tìm nghe và đọc trọn bộ "Kinh thánh 100 tuần" của đức cha Nguyễn Khảm.

Học là hình thức khổ chế
Truyền thống Dòng Đa Minh vốn coi việc học là một hình thức khổ chế. Việc học đòi hỏi tính kỷ luật, sự nỗ lực và quyết tâm. Kỷ luật khi sắp xếp thời gian, nỗ lực để tìm tòi, suy nghĩ, ghi nhớ, và quyết tâm là kiên trì theo tiến trình từ dễ đến khó. Thánh Tôma khuyên nhủ : "Đừng tọc mạch chuyện riêng tư của người khác. Đừng quá thân mật, vì dễ đưa đến suồng sã và xao lãng việc học hành. Đừng nhúng mình vào chuyện thế sự. Tránh bàn tán những chuyện nhảm nhí"
Theo kinh nghiệm, để có thể thấu đáo nội dung những gì mình đang đọc, cần phải biết sắp xếp không gian và thời gian thích hợp. Nếu vừa đọc sách vừa coi tivi hay tán truyện, thì làm sao có thể suy luận và ghi nhớ được. Nên thánh Tôma khuyên chúng ta : "Hãy yêu mến sự thinh lặng trong phòng riêng nếu anh muốn được dẫn vào kho tàng kiến thức".
            Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường vất vả bận rộn vì công việc. Dầu sao, ta vẫn có thể tận dụng được những khoảnh khắc rảnh rỗi để mở rộng kiến thức, như đọc tác phẩm văn học hay xem tin tức giáo hội và xã hội. Nhiều cái năm phút cộng lại, ta tiết kiệm được quỹ thời gian khá lớn.

Mãi mãi là môn sinh
            Thánh Tôma căn dặn chúng ta một điều rất quan trọng trong việc học đó là sự khiêm tốn. Việc học của ta chẳng bao giờ là đầy đủ và hoàn hảo, thế nên mọi người, kể cả các giáo sĩ vẫn cần đến việc thường huấn.
            Những lời khuyên "Hãy hòa nhã với mọi người, ... Hãy chậm nói và từ tốn lên tiếng phát biểu, ... Hãy gắng bắt chước gương tốt của những bậc thánh hiền" nhắc chúng ta nhớ, mình không phải là kẻ thủ đắc được chân lý, mà mãi mãi chỉ là người môn sinh đi tìm chân lý.
            Cần tránh thái độ huênh hoang trong lời nói, sự tự hào thái quá về kiến thức, để biết đón nhận từ tha nhân những bài học và suy tư, sẵn sàng thảo luận và trao đổi, cũng như lắng nghe kinh nghiệm của nhau. Học hỏi gương của các tiền nhân, giúp ta tránh được nhiều đổ vỡ sai lầm.

Thánh hóa việc học hành
            Truyền thống đọc kinh trước giờ học nối chúng ta với lời khuyên khác của thánh Tôma : "Hãy giữ lương tâm tinh tuyền. Đừng bỏ qua việc cầu nguyện".
            Học trong cầu nguyện là ước muốn gặp gỡ Chúa qua từng trang sách. Để khám phá quyền năng Chúa nơi công trình sáng tạo, chiêm niệm tình yêu Chúa trong lịch sử cứu độ, nhận ra bàn tay kỳ diệu Chúa giữa lịch sử nhân loại, và lắng nghe lời mời gọi của Chúa qua các dấu chỉ thời đại.
            Xin được hiệp dâng lời nguyện với thánh Tôma : Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh Tôma nên gương mẫu tuyệt vời trong việc vun trồng đời sống thánh thiện và lòng yêu mến thánh khoa. Xin giúp chúng con thấu hiểu những điều người dạy và bước theo đường người chỉ vẽ. Chúng con cầu xin nhờ đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

Hát nữa đi, đừng thôi! Chúa nhé!

Không có mô tả ảnh.
Cho con gối đầu vào ngực Chúa
ngon giấc nồng say, giấc nồng say
ấm áp đời con trong cánh tay
rót bên tai lời tình khe khẽ
hát nữa đi, đừng thôi! Chúa nhé!
cho con ngon giấc tới bình minh
đêm rất xinh ngày sẽ rất xinh,
con hạnh phúc, đời luôn có Chúa
cánh hoa kia sớm nở, chiều héo úa
nhưng hồn con luôn mãi một mùa xuân
bởi tình yêu chan chứa đến vô ngần
ngày với Chúa, đêm bình an trong Chúa
cho con gối đầu vào ngực Chúa
nghe nhịp tim rộn rã tình dâng

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Con sói trong lòng mình

Kết quả hình ảnh cho sói dữ và sói thiện
Chuyện ngụ ngôn của người Thổ Dân Mỹ có nói rằng trong tâm hồn mỗi người chúng ta có hai con chó sói tranh đấu với nhau: con chó thiện, và con chó ác.  Con chó nào sẽ thắng?  Con chó mà mình nuôi cho nó ăn.  Nếu con ác thắng, thì mình trở thành con chó sói ác: mình sẽ cắn xé người khác.