Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Sài Gòn đang ốm nặng lắm Bố ạ.

Đây là tâm thư gửi bố từ một người con nơi tâm dịch Sài Gòn cùng tình yêu thương tha thiết quê hương xứ sở và trách nhiệm vẹn tròn của một người công dân giữa những thời khắc đau thương.

Hoàng Đức Huy sinh năm 1988, Anh là Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vitamin Tours & Giảng viên ĐH FPT TP.HCM. Huy sống ở TP.HCM từ tháng 8/2015 sau khi du học ở Anh về. Anh đã gửi đến chúng tôi bức tâm thư dành cho bố, trong những ngày ở tâm dịch TP.HCM

-------

Bố thương mến!

Mấy hôm nay trời Sài Gòn mưa rất to nhưng không xoá được nỗi buồn và sự lo lắng bao trùm của hơn 5000 ca F0 mới mỗi ngày, đang ở rất gần, xung quanh con.

Trưa nay con nghe thấy thật nhiều sự lo lắng trong cuộc điện thoại của Bố. Bao năm nay, chúng ta luôn hiểu nhau như những người bạn thân thiết nhất, đủ để hiểu ngay cả những điều không được nói ra. Con thật lòng xin lỗi vì đã làm Bố lo lắng suốt những ngày này nhưng cũng biết ơn vô cùng vì Bố luôn xuất hiện đúng lúc để động viên, không chỉ như một người cha thân thương mà còn như một người bạn thân tình.



Sài Gòn - Bố và Con, dù không phải quê hương nhưng có một sợi dây thân tình đặc biệt, ở đây lưu giữ nhiều ký ức tuổi thơ trọn vẹn của con; những ngày được Bố chở từ Cộng Hoà qua Phú Nhuận học, vừa ngồi trên xe vừa ăn xôi mặn hay cơm tấm nhìn ngắm phố phường, những cơn mưa chiều ào ào nhưng chóng tạnh, chui trong áo mưa nhưng cứ 2 phút lại hỏi “Bố ơi về tới đâu rồi?”. Tất cả những con đường ấy, hôm nay, vẫn sáng đèn, nhưng vắng lặng không một bóng người. Sài Gòn đang ốm nặng lắm Bố ạ.

Con luôn có tình cảm đặc biệt với những nơi con chọn sinh sống, Hải Phòng, London và bây giờ là Sài Gòn. Con thiết tha muốn được là một phần của thành phố này, được sống một cuộc đời trọn vẹn của một công dân, nghĩa tình và trách nhiệm với nơi đã cho mình rất nhiều điều, là nơi có ngôi nhà đầu tiên của riêng con, là quá khứ ngọt ngào, hiện tại thân thương và tương lai tươi sáng. Sài Gòn, đã là nhà của con, và con sẽ vẫn thuỷ chung, sẽ hết mình với thành phố này chừng nào con còn thở.

Vậy nên, dù đặc biệt nguy hiểm, nhưng con và các bạn sẽ vẫn xuống đường, bằng cách này hay cách khác, để tiếp tục chăm sóc cho những cảnh đời mỏi mệt, thiếu đói đến cùng cực khi trái tim bao dung của Sài Gòn đang đập chậm lại và không gánh gồng nổi nữa.

Họ lẩn khuất sau những hàng cây, những trạm xe bus, những gầm cầu, những xóm trọ bị bỏ quên... và, họ đói. Điều con và bạn bè mang tới cho họ không chỉ là bánh mỳ, là chăn ấm mà hơn cả là tình yêu thương của con người. Người ta không nhất thiết phải quen biết thì mới quan tâm, mới tốt với nhau. Là đồng loại, là đồng bào….là đủ để thương nhau không cần điều kiện, nhất là giữa những ngày khó khăn đi vào lịch sử này.

Khi con đi vào sâu trong những hẻm tối nhất để tận mắt chứng kiến các bạn công nhân đang mắc kẹt lay lắt trong những phòng trọ lụp xụp, con nhớ tới Bố đã luôn là người ở lại sau cùng trong mọi buổi tiệc tùng liên hoan, không phải để say sưa hay chụp hình, mà là để lặng lẽ chia đồ ăn còn lại vào các túi để tặng các cô chú công nhân của Bố mang về.

Khi con bước tới đắp tấm mền cho những người anh em không nhà cửa đang say ngủ trên lề đường, con nhớ tới Bố đã bỏ xe, bỏ qua quần tây áo đẹp để đẩy giùm xích lô chất đầy hàng giữa trưa nắng cho một bác lớn tuổi chỉ vì trông bác ấy tội quá.

Khi con trở về nhà lúc nửa đêm với chiếc giỏ đã hết sạch bánh mỳ, con nhớ tới đã bao nhiêu lần cùng Bố đọc đi đọc lại “Những người khốn khổ”, và lần này, con chọn làm Jean Valjean, để thương Sài Gòn theo cách của mình

Bố hãy an tâm! Con sẽ cố gắng giữ gìn chính con và các bạn như giữ gìn tình yêu thương vô bờ Bố luôn dành cho con. Để có cuộc sống bình yên, chúng ta sẽ không thể né tránh những hi sinh cần thiết. Dù có chuyện gì xảy ra, con cũng sẽ không hối hận vì lựa chọn này của mình. Con muốn dùng chính cuộc đời mình đã thực hành tình yêu thương từ những bài học trong thời gian ngắn ngủi được sống cạnh Bố - người chẳng theo đạo gì nhưng lại gửi con đi học giáo lý ở nhà thờ: “Bố không chọn tôn giáo cho con, nhưng chọn gửi con tới nơi dạy tình yêu thương. Học được gì là tuỳ ở con.”

Ở nơi ấy, con vẫn nhớ những câu hát tới tận giờ:

“Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.

Đâu có lòng từ bi là đấy có ân sủng Người.

Đâu có tình bác ái thì Chúa chúc lành không ngơi.

Đâu ý hợp tâm đầu ở đấy chứa chan nguồn vui.”

Tất cả những điều con nghĩ, những việc con làm, sau cùng, là vì con là con của Bố. Hãy chúc lành cho con để chúng con có thể đi cùng Sài Gòn vượt qua cơn bạo bệnh này! Ngày đầu tiên bình yên, con hứa, sẽ bay về liền và làm beefsteak cho Bố ăn; hãy đợi con nhé!

Mong Bố sẽ luôn bình an!

 


Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

“BÁN CHO TÔI MỘT TỜ LY HÔN”

Ghé ngang tiệm photocopy quen thuộc trên đường về nhà để in một vài tài liệu cần thiết, chợt một cô gái trẻ chắc hơn hai mươi tuổi dừng xe ngang cửa tiệm, gọi ông chủ bên trong: “Anh ơi! Bán cho em một tờ đơn ly hôn đi anh!”. Ông chủ phía trong nhìn ra cô gái rồi đưa một ngón tay lên có ý hỏi: “Một tờ hả em?”, cô gái gật đầu miệng không ngần ngại khẳng định: “Dạ!”.
Tôi – một người đứng trong tiệm chờ ông chủ in giúp – một người Ki-tô Hữu – chợt nhói lòng và lặng đi đôi chút. Trên đường về nhà, tôi tự vấn lòng mình: “Vì sao vậy? Sao dễ dàng quá vậy?”. Chợt ngẫm tới nhiều cặp hôn nhân khác cũng đang trên đà đổ vỡ, tôi càng nuối tiếc chậc lưỡi: “Nếu ly hôn mà dễ thế này thì hôn nhân sẽ về đâu?”. Nuối tiếc bởi lẽ để có được một tình yêu thực sự là điều không dễ dàng. Có những đôi bạn còn phải hy sinh thời gian, công sức để giúp hiểu nhau hơn trước khi bước tới đời sống hôn nhân. Bao nhiêu chuyến đi chơi, thăm viếng và tạo ra kỷ niệm tốt đẹp trong giai đoạn tiền hôn nhân. Những xây đắp ấy nay trở nên vỡ nát với quyết định dễ dàng: “Ly hôn!”.
Đành rằng cuộc sống vẫn chất chứa đầy dẫy những khó khăn và thách đố, cách riêng với những ai đang sống đời sống hôn nhân gia đình. Cụ thể qua mấy đợt dịch Covid bùng phát, có nhiều cặp hôn nhân rơi vào khủng hoảng. Mới cưới nhau được vài năm cùng với chuyện công việc làm ăn chưa ổn định, con cái còn nhỏ và nhiều áp lực khác nhau đổ dồn trên đôi vai người làm cha và làm mẹ. Có đôi bạn thất nghiệp không thể làm gì ra tiền trong suốt khoảng thời gian giãn cách xã hội. Có những gia đình trước đây vốn nợ nần chồng chất nay số nợ ấy càng tăng lên vì họ không thể đi kiếm tiền. Còn chưa kể đến bệnh tật đột xuất, những chi phi phát sinh và bao nhiêu vấn đề khác nữa. Những cuộc cãi vã liên miên trong gia đình và xung khắc ngày càng lớn. Từ đó, chuyện đổ vỡ trong đời sống hôn nhân không là điều khó hiểu.
Nhưng, hẳn ai cũng đồng ý rằng đó là những thách đố trong mọi bậc sống dù là độc thân hay lập gia đình.
Vì thế, trước những cảnh huống khó khăn của cuộc sống, người ta tự bản chất cần sự đồng cảm, yêu mến, nâng đỡ biết nhường nào. Một lời thăm hỏi, một chút cảm thông, một chút chia sẻ nỗi vất vả khó khăn, rồi… mọi chuyện cũng sẽ ổn. Nhưng đã có những quyết định cách dứt khoát khi cho rằng tình yêu không đủ kéo dài thêm chút nào nữa. Không! Tình yêu là món quà vô giá và vô thời hạn. Chỉ có chăng lòng người hẹp hòi đã hạn định món quà ấy mà thôi. Nếu tình yêu đã không ai mua được thì chuyện đương nhiên tình yêu cũng không bán hay chuyển nhượng được. “Bán một tờ đơn ly hôn” để điền vào đôi dòng thông tin và ký nhận thì mọi chuyện thủ tục hoàn tất. Liệu, con người có đủ thẩm quyền để gạt bỏ mọi nỗ lực, cố gắng để xây dựng tình yêu trước đây của mình, để nuông chiều theo cơn tức giận nhất thời mà thôi.
Liệu trong cơn tức giận có đôi bạn nào nghĩ đến hệ quả đàng sau chuyện ly hôn qua một tờ đơn này không? Một nửa con tim đau buồn và trống vắng khủng khiếp. Những đứa trẻ bơ vơ vì cha mẹ chỉ quan tâm đến ích lợi của riêng họ. Những gánh nặng không ai chia sẻ vì một nửa kia đã không còn. Quan trọng là vết xước nơi tâm hồn sẽ hằn mãi dù sau này có đến với một nửa kia nào khác. Một quyết định nhất thời kéo theo chuỗi hệ lụy đau thương.
Viết lên những điều này, tôi khao khát những khả thể mong manh. Phải chi có đôi bạn dám ngồi lại với nhau để nói cho nhau nghe những điều thầm kín đang dồn nén trong lòng. Phải chi có ai đó dám hạ bớt cái tôi cá nhân để nhường nhịn đôi chút cho qua cơn giận, rồi sau đó chủ động làm hòa với nhau. Phải chi những nỗ lực yêu nhau ban đầu, viễn cảnh về những hệ lụy kéo theo sau khi ly hôn, con cái và những điều hữu ích khác sẽ là những khoảnh khắc đánh thức nơi mỗi con người về giá trị của tình yêu.
Sau cùng, tôi ước gì tờ đơn ly hôn mà bạn trẻ kia mua nơi tiệm photocopy sẽ bị xé bỏ và đôi bạn lại hạnh phúc bên nhau. Chỉ ước vậy thôi!
Tiểu Tuyền