Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI QUÝ CHỦNG SINH


Khi được Cha phó Giám Đốc Chủng Viện đề nghị chia sẻ với quý thầy sắp ra trường về một số kinh nghiệm mục vụ Giáo xứ. Lúc đầu, tôi thấy ngại, nhưng sau khi suy nghĩ và cầu nguyện tôi tự nhủ: Nếu chia sẻ kiến thức cho các thầy thì mới ngại, còn chia sẻ về kinh nghiệm mục vụ thì chắc chắn có nhiều điều để nói. Lợi thế ở chỗ là quý thầy chưa bao giờ làm cha xứ, còn tôi ít nhất cũng đã có một thời gian dài mục vụ Giáo xứ, nên tha hồ mà “nói khoác”.
Trong khuôn khổ của buổi chia sẻ này, được sự gợi ý của Cha Phó Giám Đốc Phêrô, tôi xin được nêu lên bốn điểm chính sau đây: Tổ chức Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ; Các giới, các hội đoàn và ban đoàn; Tư cách của Cha xứ; Cha xứ với vấn đề của cải vật chất.
Trước khi đi vào những điểm trên chúng ta phải hiểu: Giáo xứ là gì? “Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thành lập cách bền vững trong Giáo hội địa phương và việc săn sóc Mục Vụ được uỷ thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng dưới quyền của Giám Mục Giáo Phận” [1]. Để việc săn sóc mục vụ có kết quả, thông thường khi mới về nhận nhiệm sở: Cần dành thời gian để tìm hiểu phong tục, tập quán, con người tại Giáo xứ đó; Cần tiếp tục duy trì những sinh hoạt bình thường của cha tiền nhiệm; Tập quan sát và lắng nghe nhiều hơn nói: Lắng nghe từ quý vị Ban Hành Giáo; từ phía những người giáo dân, nhất là những người khôn ngoan trong xứ; lắng nghe các linh mục đàn anh, nhất là các linh mục đang làm mục vụ bên cạnh Giáo xứ của mình. Sau một thời gian, ít nhất là 3 tháng mới có những kế hoạch mục vụ cụ thể cho Giáo xứ.
I. HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ  (HĐMVGX)
Thành phần cần phải quan tâm trước hết, đó là HĐMVGX. Đây là thành phần nòng cốt và hết sức quan trọng trong Giáo xứ. Họ là cánh tay nối dài của cha xứ. Họ có thể thay cha xứ để truyền đạt và điều hành những công việc mục vụ trong giáo xứ. Bởi vì, “Họ được mời gọi và tuyển chọn để cộng tác với cha xứ trong việc quản trị, tổ chức và điều hành các sinh hoạt mục vụ, xây đắp tình liên đới và sự hiệp thông, giải quyết những vấn đề thuộc giáo xứ, giải toả những bất đồng nhằm góp phần xây dựng giáo xứ thành một cộng đoàn tư tế phụng thờ Thiên Chúa. Sống làm chứng và loan truyền Tin Mừng, yêu thương và phục vụ cho sứ sống và phẩm giá con người trong bối cảnh văn hoá xã hội ngày nay” [2]. Mới về nhận nhiệm sở, cần tiếp tục duy trì HĐMVGX mà Cha xứ tiền nhiệm và cộng đoàn bầu lên. Nếu HĐMVGX đã hết nhiệm kỳ thì cũng cần một thời dài tìm hiểu mới có thể tổ chức bầu cử. Khi cần bầu lại HĐMVGX thì phải lưu ý những điểm sau đây:
1. Tuyển chọn:
Tiêu chuẩn: (1) Là tín hữu đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, là giáo dân trong Giáo xứ có đời sống gương mẫu, phù hợp với Giáo luật. (2) có những đức tính căn bản cần cho chức vụ, có tinh thần phục vụ và tinh thần tập thể cao. (3) Có sức khoẻ đảm bảo, trình độ văn hoá và một số khả năng cần cho chuyên môn. (4) Có tinh thần hy sinh cho lợi ích của Giáo Hội. (5) Tuổi lý tưởng nhất là 30-60 [3].
Trên đây là tiêu chuẩn lý tưởng để tuyển chọn thành viên của HĐMVGX. Nhưng trong thực tế, không phải ở giáo xứ nào cũng có điều kiện để tuyển chọn được những người lý tưởng như vậy, nhất là những giáo xứ  có ít giáo dân. Vì vậy, “Cần tuỳ cơ ứng biến”. Nhưng khi có điều kiện để chọn lựa thì nên ưu tiên những người biết sống đạo gương mẫu, có tính tập thể cao, biết hy sinh vì lợi ích của Giáo Hội. Bởi vì, những vị như vậy mới có thể nối kết được với những thành phần khác và hy sinh phục vụ Giáo xứ. Ngoài ra, để tránh được tình trạng lẫn lộn giữa đạo và đời, không nên đưa những người đang làm việc cho xã hội như thành viên trong ban mặt trận tổ quốc, uỷ ban đoàn kết …vào trong HĐMVGX.
2. Cách thức tuyển chọn:
a) Đề cử: Để việc bầu cử được diễn ra tốt đẹp, khâu đề cử hết sức quan trọng. Các nhân sự được đề cử từ hội nghị được mở rộng của Giáo xứ hoặc được đề cử từ các cơ sở của Giáo họ. Linh mục quản xứ và HĐMVGX có trách nhiệm xét duyệt, đúc kết và y duyệt trước khi được bầu.
Để tránh những rắc rối về sau, trước khi lên danh sách bầu cử lần cuối cùng, cha xứ cần gặp gỡ từng vị để hỏi ý kiến họ: Nếu trúng cử họ có sẵn sàng làm việc không?
Sau đó, niêm yết hoặc thông báo rộng rãi với giáo dân trong các dịp lễ Chúa Nhật hay lễ lớn khác, ít là hai tuần trước khi bầu chọn [4].
b) Bầu Cử: Thiết lập ban bầu cử, ban kiểm phiếu: công minh, đáng tin cậy.
Cách thứ nhất: Mỗi người trong Giáo xứ tuổi từ 18 trở lên được đi bầu.
Cách thứ hai: Đại diện các gia đình đi bầu.
Cách thứ ba: Đại diện các tổ liên gia và các ban ngành chủ chốt trong Giáo xứ, các Giáo họ đi bầu.
Có thể bầu từng chức vụ hoặc bầu ra 5/7 vị có số phiếu cao nhất, sau đó cha xứ phân công các chức vụ trong Ban sao cho phù hợp với khả năng chuyên môn của từng người.
Ngoài ra, cần tuyển chọn và bầu cử các uỷ viên khác như: Ban Mục Vụ, Ban Phụng vụ, Ban Giáo Lý, Phụ trách các giới, phụ trách các hội đoàn [5].
3. Mối quan hệ giữa Cha xứ và HĐMVGX [6]
a) Cha xứ cần gần gũi để hướng dẫn và giúp đỡ các thành viên trong HĐMVGX thi hành nhiệm vụ.
b) Cha xứ cần điều hành các buổi họp quan trọng của Giáo xứ, nhất là những buổi họp thường niên để vạch ra những chương trình và những phương án cụ thể cho cộng việc mục vụ trong Giáo xứ: Ba tháng, sáu tháng, một năm, một nhiệm kỳ hoặc xa hơn nữa. Cần có những cuộc họp trước và sau các ngày lễ lớn hoặc khi có các công việc ngoại thường để phân chia phân nhiệm cách cụ thể, chu đáo. Sau các công việc, cần ngồi lại để đánh giá ưu khuyết điểm để rút ra những bài học cho những lần tổ chức sau.
c) Để các cuộc họp được chu đáo và thành công, cần có các bước sau đây:
* Cha xứ báo cho thư ký biết nội dung cuộc họp sắp tới để vị thư ký soạn thảo chương trình.
* Cha xứ duyệt lại và hoàn thiện nội dung chương trình.
* Quy định thời gian và địa điểm cuộc họp.
* Cha xứ cần tạo bầu khi đối thoại, hợp tác trong tình liên đới và hiệp nhất huynh đệ.
* Bám sát nội dung để giải quyết mọi vấn đề một cách dứt khoát, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
* Cha xứ cần làm chủ thời gian cuộc họp đã quy định, nếu kéo lê thời gian sẽ làm cho các tham dự viên nhàm chán.
* Cha xứ cần lắng nghe ý kiến của HĐMVGX và các thành viên trong cuộc họp để giải quyết mọi vấn đề trong tinh thần hiệp nhất.
d) Cha xứ cần dành thời gian để ân cần giúp các thành viên trong HĐMVGX về đời sống thiêng liêng. Thỉnh thoảng cần viếng thăm gia đình của các vị, nhất là trong những dịp đặc biệt: Ngày lễ, dịp tết, dịp vui buồn của gia đình họ. Cần có khoản thù lao cân xứng, nhất là những vị dành nhiều thời gian cho cộng việc Giáo xứ (Vd: Những vị dạy giáo lý dự tòng, hôn nhân quanh năm).
e) Ngoài ra, cha xứ cần giúp họ về lĩnh vực chuyên môn: Ghi chép sổ sách, giấy tờ, soạn thảo các chương trình, viết các bài cám ơn, soạn lời nguyện giáo dân …Để cho các thành viên có thể trưởng thành hơn trong cộng việc, Cha xứ nên hướng dẫn chứ không làm thay.
f) Cha xứ đừng “bao sân” quá, nhất là trong các công việc thuộc về chuyên môn của giáo dân (Vd: xây dựng).
II. CÁC GIỚI, CÁC HỘI ĐOÀN VÀ BAN ĐOÀN
Giáo xứ nào có nhiều hội đoàn, ban đoàn, các giới được sinh hoạt một cách quy cũ sẽ giúp ích nhiều cho cha xứ trong việc mục vụ.
1. Các giới: Cha xứ cần phân chia giáo dân trong giáo xứ mình thành các giới: Giới phụ lão, giới gia trưởng, giới hiền mẫu, giới trẻ, giới thiếu nhi …Mỗi giới cần có ban điều hành, có người phụ trách và có những chương trình sinh hoạt cụ thể trong năm. Những dịp làm phúc hoặc lễ bổn mạng của các giới, cha xứ cần dành thời gian để tĩnh tâm và chia sẻ riêng cho họ. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc giảng dạy và hướng dẫn, cần có thánh lễ ngày Chúa Nhật riêng cho Phụ huynh, Giới trẻ và Nhi đồng.
2. Các hội đoàn: Giáo xứ càng có nhiều hội đoàn thì công việc mục vụ của cha xứ càng thuận tiện và giúp giáo dân sống đạo trưởng thành hơn. Hiện nay, trong Giáo phận chúng ta có sự hiện diện rất nhiều hội đoàn: Hội Lêgiô, Dòng Phansinh Tại Thế, Gia đình Thánh Tâm, Hội Mân Côi, Gia Đình Khôi Bình, Hội Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội Con Đức Mẹ, Hội Têrêxa … Nếu trong Giáo xứ chưa có hoặc thiếu các hội đoàn, cha xứ cần tìm cách để thiết lập. Nếu trong Giáo xứ đã có các hội đoàn, cha xứ cần phải đồng hành và giúp đỡ họ duy trì và phát triển. Để đồng hành với các hội đoàn, cha xứ cần tìm hiểu về tôn chỉ và mục đích của hội đoàn họ. Nên nhớ: Thiết lập thì dễ, duy trì mới khó nên cha xứ phải luôn cố gắng kiên trì.
3. Các ban đoàn: Ca đoàn, nhạc đoàn (kèn, trống) … Đây là thành phần đóng góp cho các cuộc lễ lớn tăng thêm lòng sốt sắng và long trọng. Cha xứ cần thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên khích lệ, nhất là vào các dịp lễ lớn.
4. Các hội và các ban khác:
Cần thiết lập các hội và các ban đoàn sau đây:
a) Hội  khuyến học: Giúp nâng đỡ con em trong giáo xứ học giáo lý và văn hoá.
b) Hội Doanh nghiệp: Giúp họ liên kết với nhau để làm giàu, tập cho họ biết hy sinh quảng đại chia sẻ phần mình cho những người nghèo, người kém may mắn.
c) Hội Tu sĩ Nam Nữ, chủng sinh: Cha xứ nhắc nhở, động viên, nhất là vào các dịp tết, dịp hè. Cần có những hoạt động cụ thể để tập cho họ hy sinh và phục vụ giáo xứ nhiều hơn.
d) Hội Sinh Viên: Tạo sân chơi lành mạnh cho họ, đặc biệt cần tổ chức các lớp học hè để người đi trước nâng đỡ người đi sau.
e) Hội Cha mẹ có con đi tu: Vinh dự đi liền với trách nhiệm. Vì vậy, cha xứ thường xuyên giúp họ nhận ra vai trò và trách nhiệm của mình đối với con cái, đồng hành với con cái, nhất là trong lời cầu nguyện.
f) Hội công nhân viên chức: Gặp gỡ, tĩnh tâm và giúp họ sống chứng nhân trong các môi trường làm việc, tạo cơ hội để họ hy sinh phục vụ Giáo xứ.
g) Ban bác ái (Caritas): Tạo cơ hội cho giáo dân đóng góp phần ít ỏi của mình trong công việc bác ái, cha xứ cần giải thích để giáo dân hiểu nhiệm vụ này.
h) Ban An Ninh: Giúp giữ gìn trật tự trong giáo xứ, đặc biệt trong các dịp lễ lớn. Tuy nhiên, cha xứ phải hướng dẫn về quyền hạn của họ để tránh tình trạng “lạm dụng quyền”.
III. TƯ CÁCH CỦA CHA XỨ
A. Cần có một quy luật sống cho mình:
1. Cha xứ luôn phải nhớ rằng mình là linh mục vừa để cứu linh hồn người ta, vừa để lo cho mình nên thánh. Do đó, phải sẵn lòng hy sinh chịu khó làm việc bổn phận, làm hết sức lo cho linh hồn mình. Về việc này cần phải “Bác ái với mình trước, sau đó mới khi bác ái với người khác”. Vì thế, linh mục cần có quy luật sống cho mình [7].
2. Trong quy luật sống, linh mục cần đặt nguyện ngắm và kiểm điểm bản thân lên hàng đầu. Các việc thiêng liêng khác cũng phải được ưu tiên, thứ đến là các việc tìm tòi nghiên cứu về mục vụ [8].
Dành thời gian nhiều để soạn bài giảng. Bài giảng phải ngắn gọn, súc tích, bám sát vào Lời Chúa và liên hệ tới thực tế cuộc sống của giáo dân.
Dâng lễ và các việc khác phải đúng giờ, không để giáo dân phải chờ đợi, thời gian vừa phải không nên kéo dài.
3. Đời sống cầu nguyện của linh mục bao gồm: Dâng lễ hằng ngày, đi kèm với việc dọn mình và cám ơn thích hợp, xưng tội thường xuyên, cử hành sốt sắng phụng vụ các giờ kinh, viếng Thánh Thể, xét mình mỗi ngày, nguyện gẫm thực sự, đọc sách thiêng liêng, đọc hạnh các thánh, những giây phút kéo dài và thinh lặng đối thoại với Chúa, nhất là trong những dịp tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm quý, tĩnh tâm năm. Những hình thức quý báu như lần hạt kính Đức Mẹ, đi đàng thánh giá và các hình thức đạo đức khác [9].
4. Sẵn sàng giúp giáo dân lãnh nhận bí tích Giao hoà. Khi ngồi toà, cần kiên trì lắng nghe, ân cần khuyên bảo để hối nhân cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa qua linh mục. Trừ trường hợp bất khả kháng, cha xứ cần mau mắn khi được giáo dân báo đi xức dầu bệnh nhân.
5. Cha xứ phải là một chứng nhân của một đời sống khác hơn đời sống thế trần. Đó là khó nghèo, khiêm nhường, trinh khiết, phục vụ, bác ái, noi gương Chúa Giêsu Linh Mục [10].
6. Cần tham gia các sinh hoạt chung với anh em linh mục trong Giáo hạt, dịp tĩnh tâm hay thường huấn linh mục đoàn của Giáo phận. Cần sống liên kết với các anh em linh mục khác để giúp nhau và nhất là nâng đỡ nhau trong đời sống độc thân [11]. Tôn trọng và yêu mến và nâng đỡ các linh mục lớn tuổi.
7. Trong mọi sinh hoạt, cha xứ cố gắng hoà đồng với giáo dân, nhưng không được đồng hoá. Cách ăn mặc phải phù hợp với đấng bậc mình. Vui chơi giải trí một cách lành mạnh, tránh vui chơi thái quá kẻo sinh gương xấu [12].
8. Giáo dân gọi linh mục là Cha. Nhưng linh mục không nên xưng mình là Cha (trừ khi ban các bí tích), nhất là trước một cử toạ đủ mọi thành phần tuổi tác, cấp bậc.
9. Để làm việc có hiệu quả và tiết kiệm được thời gian, cần có thời biểu trong ngày, trong tuần; trong tháng … Thời gian để ban các Bí tích: Bí tích Rửa tội, Bí tích Giao hoà … Thời gian để cấp giấy tờ. Thời gian để giải quyết các công việc khúc mắc trong Giáo xứ …Tuy nhiên, luôn luôn phải ưu tiên cho các công việc quan trọng và cần thiết trước. Cha xứ cần dành thời nghỉ ngơi thích hợp, không nên làm việc quá sức, nên khám bệnh định kỳ.
B. Đời sống giao tiếp, mục vụ
1. Tiên vàn linh mục phải sống đúng bậc mình, nghĩa là phải có đầy đủ đức tính nhân bản: Cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Người ta khó tha thứ cho một linh mục sống thiếu nhân bản. Đồng thời linh mục là người của Chúa, nên phải sống thế nào cho người ta thấy Thiên Chúa đang hoạt động nơi mình. Do đó, phải biết tự trọng và làm sao cho thanh danh giáo sĩ được thể hiện trong cách giao tiếp, cư xử, nói năng, ăn mặc, sinh hoạt …[13]
2. Cần phải tỏ ra ân cần khi đón tiếp giáo dân, sẵn sàng thông cảm với mọi hoàn cảnh của họ. Hết sức tránh “những bữa tiệc tùng” tại các tư gia, chớ chọn nhà này bỏ nhà kia, kẻo mang tiếng thân giàu, chuộng sang [14]. Nhưng thỉnh thoảng cũng nên sắp xếp thăm viếng giáo dân, để gặp gỡ, chia sẻ vui buồn với họ. Cần phải giữ chừng mực trong cách ăn uống.
Không nên đi đám cưới, nhất là ở những Giáo xứ có đông giáo dân, lý do đơn giản là vì không thể đi hết tất cả mọi đám cưới trong Giáo xứ. Nếu đi nhà này mà không đi nhà khác thì dân sẽ cho rằng: “Cha trọng người này khinh người kia”.
3. Đừng thích dùng quyền, hãy sống tinh thần phục vụ. Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến  không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” [15]. Không có thái độ lên án, thoá mạ, mà chỉ bàn bạc và hoà giải. Lắng nghe ý kiến của dân Chúa, nhưng không theo đuôi. Không ba phải. Không tuyệt đối tin tưởng ở người nào. Không trao tay cho họ chiếc gậy chủ chăn [16].
4. Tất cả mọi người trong Giáo xứ là những con chiên được trao phó cho cha xứ coi sóc. Vì vậy, cha xứ phải có trách nhiệm quan tâm đến tất cả mọi người, mọi thành phần, mọi giới, mọi hội đoàn và ban đoàn. Quan tâm một cách công minh, không phân biệt giàu nghèo, đạo đức hay khô khan. Cha xứ không bao giờ được đứng về phía một người nào hay một nhóm nào, không bao giờ được bỏ rơi ai cả, càng không được có ý loại trừ một ai … Khi cần phải ưu tiên thì nên ưu tiên đứng về phía người nghèo, người kém may mắn, người tàn tật …Nếu có những người, những nhóm bất đồng chính kiến, cha xứ không được loại bỏ họ, trái lại cần quan tâm, gặp gỡ, tạo cơ hội để họ cùng bến cùng thuyền.
5. Khi cần phải sửa lỗi giáo dân, phải đặt yếu tố tình thương lên trên hết. Có khi đóng vai trò làm cha nhưng cũng có những lúc phải đóng vai trò làm mẹ, làm anh chị, làm bạn và thậm chí là làm em hay con cháu. Thánh Phaolô nói : “Hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy” [17], hoặc lời dạy của chính Chúa Giêsu: “Hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” [18]. Làm được như vậy, giáo dân sẽ rất cảm động và dễ dàng lắng nghe vị chủ chăn của mình hơn.
Khi nghe ai “trình báo” chuyện gì đó, đừng vội vàng tin lời họ. Cần phải có thời gian tìm hiểu. Khi giải quyết một “vụ việc” nào đó, phải nghe từ hai phía, cần có người làm chứng. Ai cũng sợ “chuyện của mình” bị cha xứ đưa ra giữa cộng đoàn. Nhiều giáo dân bất bình và thậm chí không còn đến nhà thờ nữa vì cha xứ “công bố” chuyện của họ trước cộng đoàn. Vì vậy, kiêng nói “chuyện người khác” trước cộng đoàn. Khi cần thì phải tuân theo nguyên tắc mà Chúa Giêsu dạy: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” [19].
5. Hầu như chuyện gì giáo dân cũng vào trình cha xứ: chuyện đạo, chuyện đời, chuyện gia đình, chuyện hàng xóm, kể cả những chuyện rất tế nhị …Cha xứ cố gắng lắng nghe và tận tình giúp đỡ họ bao nhiêu có thể. Nhưng luôn phải nhớ, cha xứ không thể giải quyết hết mọi vấn đề. Bởi vì, cha xứ không phải là Chúa. Phải cố gắng hết khả năng mình, rồi phó thác cho Chúa. Vì vậy, trước khi giải quyết một vấn đề gì cần phải có thời gian cầu nguyện để xin Chúa giúp đỡ.
6. Phải nghiêm túc khi giao tiếp với nữ giới. Đừng nói lời hai ý. Đừng đùa giỡn quá mức. Không bao giờ tiếp chuyện trong phòng ngủ. Tránh những dịp, những cớ làm cho mình bị hiểu lầm và mất thanh danh về đức khiết tịnh [20].
7. Sách châm ngôn dạy: “Kẻ ngu si không kìm được giận dữ,Người khôn khéo biết nén nhục nuốt sầu” [21]. Khi có sự việc xảy ra ngoài ý muốn, cần bình tĩnh, không nóng giận, vì “Giận thì mất khôn”. Để khi cơn giận tan biến, chắc chắn chúng ta sẽ có cách giải quyết tốt hơn. Vì thế, có nhiều lúc phải biết nhịn nhục, vì “một sự nhịn chín sự lành”. Có khi phải im lặng, vì “im lặng là vàng”. Có nhiều lúc cần phải nói. Nhưng nội dung lời nói của linh mục luôn phải trung thực: “Có nói có, không nói không, gian dối là do ma quỉ”. Ý hướng lời nói của linh mục phải là sự thiện : Nói để thông tri; Nói để xây dựng; Không được phô trương, chỉ trích … Cung cách lời nói của linh mục phải lịch sự: Nói là truyền thông tư tưởng, nhưng cũng để diễn tả chính mình. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đừng nói cộc cằn, vì nó biểu lộ tâm hồn thiếu tế nhị. Đừng có những giọng nói hách dịch, vì nó tố cáo một khuyên hướng kiêu căng. Đừng có những lời nói cứng cỏi vì nó phơi bày tính tình nghèo thiện cảm [22].
Lên tiếng để đấu tranh, chống bất công, bênh vực cho người dân là điều tốt cần phải làm, nhưng đừng mạt sát người khác hay chửi bới ai (nhất là trên toà giảng) kể cả những người bất đồng chính kiến. Thánh Phaolô nói với Titô: “Đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người” [23]. Phải biết tôn trọng đối phương, nhất là những người già, những người yếu thế …Thánh Phaolô khuyên chúng ta:  “Đừng nặng lời với cụ già, khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch” [24]. Thánh Giacôbê : “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” [25].
9. Đừng tiếc lời cám ơn : Cha xứ đừng vào số những người vô ơn. Hãy bày tỏ lòng biết ơn đối với những người làm ơn cho mình, đặc biệt là với giáo dân trong Giáo xứ, nhất là những người cộng tác trực tiếp với mình, những người giúp đỡ mình, kể cả những người giúp đỡ Giáo xứ. Có những lúc cần bày tỏ lòng biết ơn của mình trước toàn thể cộng đoàn, tết là dịp thuận tiện nhất.
10. Đừng tiếc lời xin lỗi: Cha xứ cũng là con người, cho nên không thể tránh được những sai lỗi trong lời nói và việc làm. Vì vậy, cha xứ cần phải xin lỗi khi biết mình sai. Xin lỗi cá nhân, xin lỗi tập thể, xin lỗi cộng đoàn.
Giáo dân rất cảm phục và cảm động  khi thấy cha xứ của mình nói lời cám ơn và xin lỗi họ.
11. Tiếng chuông, tiếng hát thánh ca …phát ra từ phía nhà thờ là tiếng Chúa mời gọi, thúc giục giáo dân tới nhà thờ đọc kinh, dâng lễ. Nhưng phải có chừng mực, vừa đủ …đừng để gây phiền hà cho những người sống xung quanh, nhất là anh chị em lương dân.
12. Phải có những qui ước chung trong các sinh hoạt của giáo xứ (qui ước làng): Về đám hỏi, đám cưới, đám tang … Nhưng những qui ước này không được vượt quá luật của Chúa và Giáo Hội.
IV. CHA XỨ VỚI CỦA CẢI VẬT CHẤT
1. Cha xứ không bị ràng buộc bởi đời sống khó nghèo, nên có thể giữ của riêng: do của cải kế thừa hoặc do thi hành chức vụ giáo luật cho phép, do bổng lễ. Của cải ấy được sử dụng vào việc cấp dưỡng cho mình và để chu toàn sứ vụ linh mục cho xứng đấng bậc. Nhưng đừng coi chức vụ là một nghề làm tiền [26].
2. Cha xứ phải tránh các việc hành nghề buôn bán, do mình hay do kẻ khác để trục lợi, tránh các việc có tính cách vụ lợi, hay bị nghi ngờ vụ lợi, hoặc các việc bề ngoài có tính cách từ thiện bác ái, nhưng bên trong là trục lợi. Cũng không được chỉ đích thân lo sản xuất chăn nuôi để làm giàu cho bản thân, mà xao nhãng những việc bổn phận mục vụ [27].
3. Tiền bạc phải luôn rõ ràng và rành mạch. Không được lẫn lộn giữa tiền chung và tiền riêng. Cần phải có sổ sách ghi chép rõ ràng về các khoản tiền bạc: Tiền chung, tiền riêng, tiền xứ, tiền họ, tiền xây dựng, tiền bác ái …
4. Đừng xây những công trình mình thích, nhưng hãy xây những công trình vì nhu cầu của Giáo xứ.
5. Khi cần vận động tiền bạc để xây dựng Giáo xứ (Nhà thờ, nhà xứ, nhà trường …) phải hết sức nhẹ nhàng, đừng đặt gánh quá nặng nề lên vai giáo dân … Phải có chế độ miễn trừ cho những người không có điều kiện đóng góp như: Người già, người nghèo, người bệnh tật …
6. Cha xứ là người của mọi người chứ không phải người của riêng gia đình, dòng tộc, nên đừng bao giờ xin tiền của giáo dân để làm giàu cho mình hay cho gia đình và dòng tộc mình. Cha xứ lại càng không được lấy lý do bác ái để lấy tiền chung làm giàu cho bà con ruột thịt [28].
7. Đừng để đồng tiền hay người có tiền chi phối công việc mục vụ trong giáo xứ. Vì vậy, không phải hễ có người cho tiền là sẵn sàng nhận. Phải biết người ta cho vì mục đích gì? Tiền họ cho từ đâu? Trong buổi tiếp kiến chung ngày 02 tháng 03 vừa qua tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô thẳng thắn tuyên bố với các nhà làm từ thiện hãy quên chuyện đóng góp tài chính cho Giáo hội đi nếu đồng tiền kiếm được của họ là do lừa gạt người khác. Đây cũng là điều mà Ngài thường xuyên nhấn mạnh, lên án những người giàu bóc lột người nghèo và bảo vệ người lao động khỏi những đối xử bất công. Ngài nói: “Giáo hội không muốn những đồng tiền máu, nhưng cần những tấm lòng rộng mở để đón nhận lòng thương xót của Chúa”.
Đừng bao giờ để cho người nghèo cảm thấy “tủi” vì cha xứ hay đi lại với người giàu, ưu tiên nhiều cho kẻ có tiền, cho các đại gia.
8. Cha xứ cần làm gương cho giáo dân về lòng quảng đại, về việc bác ái từ thiện. Linh mục Mark Link nói: “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi”. Tôi còn nhớ lời khuyên ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Cha Cựu Bề Trên Hoàng Bảo, thời tôi đang còn học Chủng Viện, Ngài nói: “Cụ tụ thì dân tán, cụ tán thì dân tụ”. Ý của Ngài muốn dạy cho các chủng sinh là những linh mục tương lai bài học về lòng quảng đại với giáo dân.
9. Có cơ hội làm việc bác ái thì đừng bỏ qua. Bác ái phải thể hiện bằng việc làm cụ thể chứ không chỉ bằng lý thuyết. Để làm việc bác ác cần phải “ra đi’ đến với vùng “ngoại biên” Vì vậy, thỉnh thoảng cha xứ cần đi thăm viếng những người có hoàn cảnh đặc biệt trong giáo xứ.  Khi đi xức dầu bệnh nhân cần phải có trong túi một ít tiền để có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt lúc cần.
10. Đối với bản thân, chỉ nên sử dụng những gì cần và đủ: Mahatama Gandhi đã nói rất chí lý rằng: “Theo quan niệm cá nhân tôi, tất cả chúng ta xét ý nghĩa nào đó đều là tên ăn cắp. Vì, ta có quá nhiều cái dư thừa không cần thiết, trong khi người anh em quanh ta còn thiếu thốn đang cần đến nó. Chúng ta có vật nào đó không cần, thì vật đó chính là của ăn cắp mà chúng ta lấy từ những người nghèo cần đến nó”.
Phương tiện nhằm để phục vụ chứ không phải để đua đòi. Vì vậy, không nên sắm cho mình những phương tiện quá đắt tiền. Tuỳ việc mà tiêu tiền, “Việc to đừng lo tốn”. Tôi còn nhớ, để nhắc các chủng sinh là linh mục tương lai vừa tiết kiệm lại vừa sống quảng đại, trong một giờ huấn đức tại Chủng Viện này, cha cựu bề trên Hoàng Bảo nói rằng: “Khi cần thì một triệu cũng tiêu, nhưng khi không cần thì một ngàn cũng không được tiêu”.
Muốn các công việc to nhỏ của Giáo xứ được xuôi chảy, cha xứ phải biết “chi”.
11. Cha xứ phải nêu gương về đời sống thanh bần, do đó, cần tránh lối sống trưởng giả, quá đầy đủ tiện nghi, đồ dùng quá sang trọng, ăn mặc quá kiểu cách [29]. Đề nghị: Đồ dùng trong nhà xứ cần vừa phải, phù hợp với mọi hạng người: Không nên sang trọng quá, cũng đừng hèn hạ quá. Đừng trưng bày trong phòng khách của giáo xứ những thứ không thích hợp với cuộc sống linh mục.
12. Cha xứ phải có lòng nhiệt tâm truyền giáo, phải tự mình chăm lo việc truyền giáo, không giao trọn cho cộng sự viên. Cần cổ võ việc tông đồ giáo dân, giúp giáo dân ý thức về bổn phận truyền giáo của mình. Cha xứ cần quan tâm việc dạy giáo lý dự tòng, tổ chức rửa tội cho người lớn một cách long trọng, chăm sóc người tân tòng …Cha xứ cần nuôi dưỡng ơn gọi, nhất là nâng đỡ những em muốn đi tu nhưng gia đình gặp khó khăn về kinh tế.
V. KẾT LUẬN
Kinh nghiệm cho thấy, khi chuẩn bị chịu chức linh mục ai cũng mang trong mình một tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết, nhưng cũng không dấu được sự lo lắng. Bởi vì, không biết mình được sai đi đâu, sẽ làm việc gì?
1. Cần bình tĩnh, hãy chuẩn bị cho mình những thứ cần thiết cho hành trang mục vụ.
2. Hãy cầu nguyện và phó thác mọi sự cho Chúa.
3. Đừng chọn lựa theo ý mình mà phải vâng theo ý bề trên: Thích nơi mình ở chứ không phải ở nơi mình thích; Thích việc mình làm chứ không phải làm việc mình thích; Thích người mình ở cùng chứ không phải ở với người mình thích …
4. Đừng quan trọng hoá mình giữ chức vụ gì? Mà phải hỏi xem mình sẽ làm được gì khi giữ chức vụ đó.
5. Đừng quan trọng hoá chính mình và nghĩ rằng: “Không ai thay thế được mình”. Khi Đức Bênêđitô xin nghỉ hưu, cả Giáo hội và thế giới hoang mang lo lắng. Thế rồi, sự lo lắng đó tan biến khi nhìn thấy những công việc của Đức Phanxicô làm. Thiên Chúa luôn có chương trình của Ngài. Tất cả mỗi người chúng ta chỉ là hạt cát giữa đại dương bao la. Vì vậy, “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”[30].
Trên đây chỉ là những “mảnh vụn” kinh nghiệm mục vụ được góp nhặt lại với mong muốn thêm vào hành trang lên đường của quý Thầy. Chúc quý Thầy thành công.
Lm. Anthony Trung Thành

Không có nhận xét nào: