Nếu đức khiết tịnh được sống đúng theo giá trị của Tin Mừng, nó sẽ giúp người tu sĩ được sinh hoa kết trái với những điều đẹp nhất trên đời. Còn khi nó chỉ là cái vỏ bên ngoài, nó sẽ khiến người đó trở nên thứ tồi tệ không gì tồi tệ hơn. Bởi thế, có người từng nói, không có kiểu tu sĩ lưng chừng, chỉ có những tu sĩ là Thiên Thần và những tu sĩ là ác quỷ.
Có lẽ không ít lần, chúng ta được may mắn diện kiến những vị tu sĩ đắc đạo, có một đời sống vô cùng thanh thoát, gương mẫu, thánh thiện. Nơi các vị ấy, ta thấy toát lên nét chân tu. Họ là những người đã sống sự khiết tịnh của mình một cách thật ý nghĩa. Nhưng đáng buồn thay, cũng có không ít những tu sĩ, càng tu lâu càng trở nên khó tính, khó ưa, chẳng ai muốn đến gần, càng sống lâu trong đời tu, họ càng trở nên khô cằn và trở thành gánh nặng cho người khác. Dĩ nhiên, con người nào cũng có yếu đuối, và không thể đòi hỏi người nào đi tu cũng phải thành thánh nhân. Nhưng nếu như một đời tu không giúp người ta trở nên đáng yêu và dễ gần hơn, ấy là vì người đó đã không sống sự khiết tịnh theo cách không đúng đắn; họ đã mắc phải một số lệch lạc trong đời độc thân của mình.
Đó có thể là người, dù đã cống hiến tất cả, trao ban tất cả những gì mình có, hy sinh rất nhiều, nhiệt thành và hết mình trong mọi công việc, họ làm được mọi thứ, nhưng chỉ thiếu một điều là không biết yêu thương. Họ để cho lý trí hoạt động quá nhiều, không để cho con tim lên tiếng. Họ chỉ lo giữ khiết tịnh cho mình, tuân giữ kỷ luật này nọ, quá khắt khe với bản thân và với người khác, đến độ cắt đứt các tương quan. Họ sống mà không biết cảm thông, không biết nâng đỡ, chỉ biết trách móc và hình phạt. Họ sống đời tu mà lo sợ quá nhiều, sợ những cám dỗ, sợ bị người khác lôi kéo, sợ áo tu bị vấy bẩn, sợ đôi bàn tay bị dính bụi hồng trần. Sự khiết tịnh đối với họ hệt như chiếc lồng sắt, nhốt họ lại bên trong, khiến họ chẳng có chút tự do nào để mở ra với người khác.
Cũng có người quan niệm sai lầm rằng đi tu là vượt lên trên thân phận nhục thể. Đi tu thì chỉ lo những chuyện thiêng liêng, nghĩ đến điều thiêng liêng, còn chuyện vợ chồng, sinh con là chuyện của người bình thường, người yếu nhân đức, kém cỏi. Họ cho rằng lo cho gia đình, vợ chồng con cái là chuyện mệt mỏi. Họ gồng hết sức kháng cự lại những xung động nhục dục, vì xếp nó vào những điều xấu xa tội lỗi. Họ cứ nghĩ rằng đi tu là sống cõi bên kia của thế giới. Những gì tồn tại trong trần gian này đều là những thứ bỏ đi, chẳng đáng bận tâm. Họ suốt ngày mơ mộng về một cõi phúc nào đó xa xôi mà quên mất rằng con đường dẫn đến hạnh phúc đang nằm dưới đôi chân mình và cửa ngỏ để tiến vào Thiên Đàng là phút giây hiện tại. Họ tự hào về đời tu của mình, cho rằng mình đã chọn Giêsu, một tình yêu cao nhất, chứ không như những người kia, chỉ chọn những tình yêu thấp hèn.
Tư tưởng này dẫn đến một kiểu suy nghĩ rất thiện cẩn “có Chúa là đủ rồi”, theo nghĩa, đi tu thì chỉ cần đọc kinh xem lễ là đủ, còn tương quan với người khác không cần thiết. Dĩ nhiên, Chúa là tất cả của đời mình, là lý tưởng để mình vươn tới. Nhưng Chúa không thay thế chuyện cơm ăn áo mặc, chuyện lao động, học hành… Chúa không phải là một đối tượng cố định nào đó mà ta có thể nắm giữ trong lòng bàn tay rồi tự hào. Khi ta nói “có Chúa” là ta đang nói đến một niềm xác tín về sự hiện diện và đồng hành với Chúa trong cuộc đời mình ngang qua những thăng trầm, các tương quan, biến cố… chứ không phải một kiểu sở hữu. Thật ra, cũng là một kiểu lệch lạc khi người ta coi Chúa như là chỗ thay thế cho vị trí của người vợ hay người chồng. Người tu sĩ không “kết hôn” với Chúa như người đời kết hôn với nhau. Do thấy thiếu vắng trong tâm hồn, nên người ta tưởng tượng Chúa như người bạn đời. Thật ra, Chúa là Chúa, là một thực thể siêu việt, Chúa không là vợ hay là chồng. Chúa không khoả lấp những thiếu hụt hay trống vắng của người tu sĩ. Bất cứ khi nào còn sống trong thế giới này, người tu sĩ còn bị những điều thuộc về thế gian này chi phối. Dù có cố gắng chống chế hay tưởng tượng thế nào, người tu sĩ vẫn cứ cảm thấy sự cô đơn và trống vắng trong tâm hồn. Họ vẫn cần tình cảm, cần được an ủi, cần được nâng đỡ. Sống đời khiết tịnh là thẳng thắn và thành thật thừa nhận và đón nhận đều này chứ không khước từ nó rồi lấy hình ảnh Thiên Chúa khoả lấp vào.
Không thể không thừa nhận một điều rằng Chúa là điểm tựa và là nguồn sức mạnh của người tu sĩ để họ sống trọn vẹn và sinh hoa trái sự khiết tịnh của mình. Chính Chúa đã mời gọi họ sống như vậy và chính tình yêu Chúa đã thúc bách họ chọn đời sống này. Nhờ cảm nghiệm được điều đó, người tu sĩ mới dám can đảm chọn “con đường chẳng mấy ai đi”. Nhưng cần phải ý thức rằng chúng ta không thấy Chúa nhưng thấy một người nào đó. Chúa không phải là một đối tượng mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt và đụng chạm bằng tay chân. Tình yêu và lời mời gọi của Chúa có một âm vị rất khác, không giống như tình yêu nam nữ trong thế giới con người. Đừng bao giờ đem Chúa ra để khoả lấp cho những trống vắng của mình. Cũng đừng tưởng tượng ra một vị Thiên Chúa nào đó chỉ dành riêng cho mình. Chúa sẽ đồng hành với họ qua những lúc phải chiến đấu để vượt thắng chính mình qua những hướng dẫn của bề trên hay linh hướng, hay qua sự hiện diện và nâng đỡ của ai đó, chứ không phải “có Chúa” rồi thì không còn cảm thấy khó khăn gì nữa cả. Sống khiết tịnh đúng nghĩa mời gọi người tu sĩ chìm sâu vào tình Chúa, để rồi mang tình ấy lan toả khắp không gian và thời gian. Đó là một lối sống đậm chất yêu nhờ một lực đẩy mãnh liệt đến từ con tim luôn biết mềm lòng trước Chúa và mở ra với tất cả mọi người. Như thế, càng sống khiết tịnh, người tu sĩ phải cảm thấy mình càng sống chan hoà hơn, cởi mở hơn, yêu đời hơn, mặn nồng hơn, lôi kéo người ta về với Chúa hơn, trở thành người của tất cả mọi người, chứ không đóng kín, trở thành “của riêng” của một ai đó, kể cả chính mình.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(dongten.net 10.03.2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét