Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Nồng độ hạnh phúc

Tôi có nghe nhiều khảo sát khẳng định Việt Nam là một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới. Tôi khá băn khoăn về kết luận này.

Thực sự tôi nghĩ nó không hoàn toàn đúng. Vì không dễ để khẳng định một người có thực sự hạnh phúc hay không. Thậm chí các nhà khoa học khi xác định một người hạnh phúc phải kiểm tra độ cân bằng của hoocmon trong một thời gian dài bằng nhiều thiết bị tinh vi. Chúng ta không có công cụ nào để kiểm tra nồng độ hạnh phúc cho tất cả mọi người nên không thể kết luận vội vã.
Nhìn lại trải nghiệm của mình, tôi thấy rằng trong 17 nước tôi từng đi qua, tôi không thấy người Việt Nam hạnh phúc đến mức độ “đứng đầu thế giới”. Có nhiều khía cạnh mang tính tập quán của người Việt Nam không ủng hộ cho khái niệm “hạnh phúc”.
Thứ nhất, điều dễ thấy nhất ở rất nhiều người Việt là họ có suy nghĩ khá tiêu cực và dễ chấp nhận “đời là vậy”. Có thời gian tôi làm trong một số công ty, tổ chức tại Việt Nam, phần lớn những người tôi gặp không thích công việc của họ lắm. Họ ít hứng khởi khi làm việc, họ dùng từ “phải làm” và hầu hết mong đến ngày cuối tuần. Và khi tôi nói rằng tôi muốn viết báo bằng tiếng Việt thì nhiều người phủ đầu ngay “Jess đừng có mơ mộng nữa”. Tôi thấy khá buồn cho lối tư duy ấy.
Thứ hai, nhiều người không được tự do chọn lựa. Có một bạn tên Minh làm cùng công ty với tôi. Minh là họa sĩ. Tất nhiên một người sáng tạo sống trong môi trường kinh doanh chỉ xoay quanh tiền bạc thì không dễ chịu. “Người sáng tạo không được làm việc sáng tạo thì họ sẽ chết.” Vì thế, Minh hay buồn, nghiện thuốc lá, xem phim có cảnh bạo lực và tình dục.
Khoảng năm năm trước, khi còn sống ở Hà Nội, tôi gặp một cô gái tên Ánh. Cô hay chia sẻ rằng chán  làm ở công ty hiện tại, nhưng bố mẹ ép cô tiếp tục vì công ty này trả nhiều tiền và ổn định, gia đình cũng nở mày nở mặt.
Cô rất buồn, mỗi sáng cô đều mang vẻ mặt chán chường lên công ty. Tôi bảo: “Không thích thì nghỉ thôi, đơn giản lắm mà”. Nhưng Ánh nói ở Việt Nam phức tạp lắm, gia đình, bạn bè, mọi người không chịu. Tôi khá dị ứng với từ “phức tạp” mà rất nhiều người Việt hay dùng. Tôi thấy nó là cách để né tránh vấn đề, là thói quen xấu khi bạn chưa suy nghĩ đủ sâu và đủ nhiều về một vấn đề, chưa tìm ra cách giải quyết nó nhưng đã đầu hàng nó. Không có gì phức tạp, chỉ có mình làm cho nó trở thành phức tạp thôi.
Trước ngày cưới của Ánh, cô nói với tôi là đang cảm thấy buồn, trầm cảm, muốn chết.
Tôi chỉ cảm thấy vô lý. Thế giới của chúng ta sống đã thay đổi nhiều và luôn luôn thay đổi kể cả bây giờ. Cái thời cha mẹ ép con cái làm công việc gì, hay ép cưới một người vì thấy gia đình kia môn đăng hộ đối đã quá lạc hậu rồi và không còn phù hợp với trình độ thế giới mới hôm nay. Vì vậy, chúng ta không thể chọn một quyết định chỉ vì nó “ổn định” trong khi tìm hiểu kỹ, ta thấy rõ ràng là thực sự nó rất độc hại cho sức khỏe tinh thần và cuộc sống của mình.
Nhưng gần đây tôi vui hơn bởi Ánh và Minh đang điều chỉnh lại cách suy nghĩ theo hướng tốt hơn. Bạn Minh tốt hơn nhiều, không suy nghĩ về tự tử nữa. Mấy tháng trước tôi giới thiệu với Minh một kiểu thiền gọi là “Wim Hof” của một người Hà Lan. Nó giúp Minh thay thế những buổi sáng chỉ muốn trốn thoát thành phố bằng sự vui vẻ. Những bài dạy của ông Wim Hof khá dễ thực hiện, nó kích hoạt hoocmon tuyến thượng thận và làm tâm trí yên tĩnh. Nó là chất xúc tác để bắt đầu nhỏ những giọt hy vọng vào cuộc sống nhiều bóng tối của Minh. Giờ Minh bỏ hết xem phim “có độc” và mỗi ngày càng tốt hơn một chút.
Còn Ánh thì bỏ việc ở công ty, tất nhiên bố mẹ cô thất vọng nhưng cũng phải chấp nhận. Nhà tâm lý học Jordan Peterson nói khi người ta làm việc ở một công ty họ không thích, họ sẽ già hơn 10 tuổi chỉ trong 5 năm. Hơn nữa những phẩm chất tốt sẽ bị giảm nhanh trong khi khía cạnh kém chất lượng bị khuyếch đại.
Ánh nói cuối cùng chỉ cần can đảm phá vỡ chu kỳ buồn bã và đưa ra quyết định dũng cảm thì kết thúc có hậu sẽ đến. Ánh kể cô nhận được rất nhiều lời khuyên nên làm gì nhưng cuối cùng cô chỉ nghe trái tim mình để tự cứu mình. Ánh cũng hạnh phúc hơn rất nhiều khi nhận ra có cả một thế giới mới tươi sáng để cô khám phá.
Quay lại “danh hiệu hạnh phúc”, bên cạnh hai trường hợp tôi biết là Minh và Ánh, có một số người Việt Nam tuyên bố rằng đây không phải sự thật; rằng sống ở Việt Nam vẫn hạnh phúc và ở nước ngoài khổ hơn Việt Nam nhiều. Tuy nhiên, VnExpress đưa tin có gần 100.000 người Việt Nam di cư đến nơi khác mỗi năm.
Bởi tôi tin bạn chỉ hạnh phúc nếu tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Khi còn dễ buông lời ca thán và né tránh bình minh thì bạn vẫn đang phải chịu đựng cuộc sống này.
Bạn, người đang đọc bài viết này, đang tặc lưỡi "đời là thế" hay vẫn đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống?

Không có nhận xét nào: