Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Áo chùng thâm và máy giặt

Hình ảnh có liên quan
 Chị "máy giặt" tội nghiệp anh "áo chùng thâm" :

- Tôi thật không hiểu chủ nhân của anh vất vả với dân làm gì ?

Ông cứ ngồi toà, giảng đạo, thăm kẻ liệt.

Rồi đâu vẫn hoàn đấy .

Dân vẫn tội lỗi, dơ bẩn,

ngay cả anh cũng bị lem luốc vì họ .

 
Áo chùng thâm trả lời :

- Nhưng rồi chị sẽ làm cho tôi sạch chứ ?

Và chị có vinh dự về công dụng của mình,

có hãnh diện với người chế tạo ra chị không ?

 

- Dĩ nhiên rồi, chúng tôi sẽ phục vụ anh

dù biết rằng anh sẽ trở lại đây trong dơ bẩn,

chúng tôi đủ kiên nhẫn cho tới ngày anh rách nát

hay biến tan khỏi cõi đời này,

trừ khi anh không cần đến chúng tôi nữa .

 
Áo chùng thâm gật đầu :

Chị giống như vị linh mục, chủ nhân của tôi

và người kỹ sư chế tạo ra chị

cũng có thể tạm sánh với Thiên Chúa .

Chị nghĩ rằng các Ngài kém kiên nhẫn hơn chị sao ?

Ở đâu còn sự dơ bẩn, ở đấy vẫn cần người tẩy sạch

để cho đời đẹp hơn trong tình thương.

Chị thương tôi và chị chỉ ngồi đợi,

còn các Ngài thương những người tội lỗi dơ bẩn và đã đi tìm .

Tấm lòng của các Ngài , chắc chị đã thấy .?

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Lời cầu nguyện xin tĩnh lặng


Kinh thánh quả quyết với chúng rằng nếu chúng ta làm thinh thì sẽ biết Chúa, nhưng có được sự lặng yên thì nói dễ hơn làm. Như Blaise Pascal từng nói, “Mọi khốn khổ của con người là do chẳng ai có thể ngồi yên trong một tiếng đồng hồ.” Đạt được sự tĩnh lặng có vẻ là việc quá tầm chúng ta, và như thế chúng ta gặp một song đề: chúng ta cần tĩnh lặng để tìm Chúa, nhưng cần Chúa giúp để tìm sự tĩnh lặng. Nghĩ như thế, tôi xin đưa gởi gắm các bạn một lời nguyện xin sự tĩnh lặng.

Kết quả hình ảnh cho prayer in silenceLạy Thiên Chúa của tĩnh lặng…

Xin làm tĩnh lặng những bồn chồn tuổi trẻ của con, tĩnh lặng cơn đói khát cứ ập vào con, cơn đói khát muốn nối kết với mọi người, muốn thấy và và thưởng nếm mọi thứ, cơn đói khát khiến con mất bình an những buổi tối cuối tuần. Xin tĩnh lặng những giấc mơ tự đại muốn mình nổi bật với người khác. Xin cho con ơn sống hài lòng hơn với bản thân con.

Xin tĩnh lặng cơn bồn chồn khiến con thấy mình quá nhỏ bé. Xin cho con biết rằng đời con là đủ, và con không cần đòi hỏi về mình, dù cho cả thế giới đang cố lôi kéo con làm thế với vô vàn những hình ảnh tiếng động khắp nơi. Xin cho con ơn sống bình an trong cuộc đời mình.

Xin làm tĩnh lặng tính dục của con, chỉnh đốn những khao khát bừa bãi, dục vọng của con, nhu cầu không ngơi muốn được thân mật hơn nữa của con. Xin tĩnh lặng và chỉnh đốn những dục vọng trần tục của con mà không cần phải xóa bỏ chúng đi. Xin cho con biết nhìn người khác mà không phải với con mắt tình dục ích kỷ.

Xin tĩnh lặng những lo âu, trăn trở của con và đừng để con lúc nào cũng sống ngoài giây phút hiện tại. Xin cho con biết ngày nào có mối lo của ngày ấy. Xin cho con ơn biết rằng Chúa đã gọi con trong yêu thương, viết sẵn tên con trên thiên đàng, và con được tự do sống mà không cần lo lắng.

Xin tĩnh lặng nhu cầu muốn bận rộn luôn mãi của con, muốn kiếm việc gì đó để làm, muốn lên kế hoạch cho ngày mai, muốn hoạt động mọi phút giây, muốn tìm cái gì đó để lấp đầy khoảng thinh lặng. Xin cho con biết thêm tuổi thêm khôn ngoan. Xin làm nguôi đi những cơn giận âm ỉ vô thức của con vì thấy quá nhiều mong muốn của mình chưa thành sự. Xin tĩnh lặng sự chua cay vì thất bại của con. Xin giữ con khỏi ghen tương khi con cay đắng chấp nhận những giới hạn của cuộc sống mình.

Xin cho con ơn chấp nhận những thất bại và hoàn cảnh của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ  chính mình, nỗi sợ trước những thế lực tăm tối đang đe dọa con trong vô thức. Xin cho con can đảm để đối diện với bóng tối cũng như ánh sáng của chính mình. Xin cho con ơn đừng sợ sự phức tạp của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ bẩm tại của con là sợ mình không được yêu thương, sợ con không xứng đáng để yêu. Xin làm tĩnh lặng sự hoài nghi dằn vặt rằng con luôn là kẻ ngoài cuộc, rằng cuộc sống thật bất công, rằng con không được tôn trọng và thừa nhận. Xin cho con ơn biết rằng con là con yêu dấu của Chúa, Đấng yêu thương con vô điều kiện.

Xin tĩnh lặng trong con nỗi sợ vô cớ đối với Chúa, để con đừng thấy Chúa xa cách và đáng sợ, mà thay vào đó là nhìn thấy Chúa nồng ấm và thân thiện. Xin cho con ơn liên kết với Chúa thật hồn nhiên, như một người bạn mà con có thể chuyện trò, đùa giỡn, vui vẻ và thân thiết.

Xin tĩnh lặng trong con những suy nghĩ bất dung, về những giận hơn từ quá khứ, những bội bạc, lăng mạ mà con phải chịu. Xin tĩnh lặng trong con những tội mà chính con đã phạm. Xin tĩnh lặng trong con những tổn thương, cay đắng và giận hờn. Xin cho con sự tĩnh lặng từ sự tha thứ, từ con và cho con.

Xin tĩnh lặng những nghi ngờ, lo lắng về sự hiện diện của Chúa, về lòng trung tín của Chúa. Xin tĩnh lặng trong con xung lực muốn để lại dấu ấn, muốn tạo nên gì đó bất tử cho bản thân mình. Xin cho con ơn biết tin tưởng, ngay cả trong tối tăm và nghi hoặc, rằng chính Chúa sẽ cho con sự sống đời đời.

Xin tĩnh lặng tâm hồn con để con biết Chúa là Thiên Chúa, và cho con biết Chúa đã tạo dựng và gìn giữ mọi hơi thở của con, rằng Chúa yêu thương con cũng như hết thảy mọi người, rằng Chúa muốn cuộc sống chúng con bừng nở, Chúa muốn chúng con hạnh phúc, Chúa yêu thương và chăm lo hết mọi người, rằng chúng con sẽ được an bình trong bàn tay nhân từ của Chúa, ở đời này và đời sau.

Viết cho đời mình

Hình ảnh có liên quan
“Bất cứ suy nghĩ nào được khởi nguồn và tin tưởng đều có khả năng trở thành hiện thực” (Napoleon Hill) 

- Giả sử ai đó trao cho bạn một cây viết mà bạn không thấy nó có bao nhiêu mực bên trong. Có thể nó sẽ hết mực chỉ sau vài dòng chữ mà cũng có thể nó đủ để bạn viết nên một (hay vài) tác phẩm sống mãi. Bạn sẽ không thể nào biết thực chất cây viết như thế nào nếu bạn chưa thật sự bắt đầu. Và với quy tắc của cuộc chơi “giả sử” này, bạn phải đánh liều trong chọn lựa của mình, dù lựa chọn ấy dẫn đến kết quả sai lầm. 

- Thật ra chẳng có quy tắc nào bắt bạn phải làm gì cả. Bạn có thể cầm bút lên và viết hay cũng có thể xếp nó trong ngăn kéo, để mặc nó khô mực rồi cho vào giỏ rác. 

- Nhưng nếu viết bạn sẽ viết gì đây?
Bạn sẽ cấm cúi và miệt mài viết để theo kịp sự tuôn trào của dòng chảy ngôn từ? Hay bạn viết một cách thận trọng và kỹ lưỡng như thể bạn sợ cây viết của mình sắp sửa hết mực? Hay bạn vẫn tin rằng sẽ không bao giờ có chuyện gì xảy ra với cây bút và cứ thế viết, không hề lo lắng mảy may?

- Và bạn sẽ viết về những gì?
- - Tình yêu chăng? Hay là sự hận thù?
- - Về niềm vui? Và đau buồn?
- - Sự sống? Cái chết?
- - Không gì cả? Hay tất cả?
- - Bạn sẽ viết chỉ để làm vui riêng mình? Hay làm hài lòng cả những người khác nữa? Hay lấy niềm vui được viết cho mọi người làm niềm hạnh phúc của chính bản thân bạn? 

- Nét chữ của bạn sẽ rụt rè, mờ nhạt hay đậm nét, rõ ràng? Bay bướm, điệu đàng hay đơn giản, chân phương? Mà bạn vẫn sẽ viết chứ? Vì một khi bạn được trao cây bút thì chẳng có quy định nào bảo bạn phải viết hay dừng lại cả! 

- Bạn sẽ viết bên trong hay ra ngoài dòng kẻ giấy, bạn không thèm bận tấm đến dòng kẻ ngay cả khi nó vẫn ở đó? 

- Còn rất nhiều điều để ta phải suy ngẫm ở đây. 

- Còn bây giờ, giả sử có ai đó trao cho bạn một cuộc đời, thì bạn sẽ làm gì? 

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

cái chết của thai nhi và cái chết của lương tâm người mẹ.

Truyện kể rằng: một thiếu phụ tay ẵm một thiếu nhi bước vào phòng mạch bác sĩ gia đình.
— Thưa bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng giải quyết giúp khó khăn này: đứa nhỏ đây mới chưa đầy một tuổi, và tôi lại mang thai nữa rồi. Chắc bác sĩ cũng biết là tôi không muốn có con tuổi gần nhau như vậy. Tôi không đủ sức chịu đựng được.
— Thế thì bà muốn tôi giúp gì đây?
— Bất cứ điều gì có thể cất được cái của nợ này.
Sau một hồi suy nghĩ, người thầy thuốc trả lời:
— Tôi có một cách giải quyết tốt hơn để giúp bà. Nếu bà không chịu có hai đứa con sinh gần nhau như vậy, tốt nhất là giết đứa con bà đang ẵm trong tay, vì đối với tôi giết đứa trong bụng bà hay giết đứa trong tay bà thì cũng như nhau. Vả lại, nếu giết đứa trong bụng bà thì lại còn nguy hiểm cho bà nữa.
Vừa nói xong, vị bác sĩ đưa tay lên kệ dụng cụ, nắm một cây dao nhỏ, và bảo người thiếu phụ đặt đứa nhỏ lên vế bà, đưa đầu ra phía ông ta. Lúc đó người thiếu phụ tái xanh mặt, nhảy tung khỏi ghế và thét lên: “ĐỒ SÁT NHÂN!”
Chỉ với một vài lời nói, vị bác sĩ đã thuyết phục được người thiếu phụ trẻ hiểu ra rằng việc ông ta đề nghị giết đứa con một tuổi của bà thì cũng chẳng tệ hại hơn lời thỉnh cầu giết đứa bé chưa sinh trong bụng bà. Đàng nào cũng là GIẾT NGƯỜI. Chỉ có một khác biệt là tuổi của hai đứa bé mà thôi.
Có lẽ, lời nguyền rủa: “Đồ sát nhân” của người mẹ đáng thương kia, phải được vang lên nơi chính cõi lòng của bà. Lúc ấy, bà sẽ ngộ ra rằng mình đã có âm mưu giết người và người đó chính là con của mình. Bà có thể nhân danh vì ổn định kinh tế gia đình hay một đứa dễ nuôi dạy hơn…Dù bất cứ lý do nào, chúng ta phải khẳng định rằng phá thai là một vụ giết người tuyệt đối không lời phân giải. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã lên án nặng nề rằng: “Trong tất cả tội ác mà con người có thể thực hiện chống lại sự sống, sự phá thai do cố ý gây ra biểu thị những đặc trưng làm cho nó đặc biệt nghiêm trọng và đáng kết tội. Công đồng Vatican II đã định nghĩa nó như “một tội ác ghê tởm” (Tin Mừng Sự Sống số 53). Nó là một tội ác ghê tởm không chỉ do việc người giết người, hay hơn nữa, là mẹ giết con, mà là cái chết của chính người mẹ như thánh Têrêsa thành Calcutta đã nói: có hai cái chết trong một vụ phá thai:cái chết của thai nhi và cái chết của lương tâm người mẹ. 

HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI CHÚA CỦA SƠ ÚT MƯỜI THƯƠNG

Vào một buổi sáng định mệnh, tôi đã gặp Sơ Út Mười Thương. Sau thánh lễ, tôi thấy một Sơ đang đứng mân mê chiếc điện thoại cùi bắp, vẻ đơn sơ thánh thiện của Sơ dòng được thể hiện qua nét vụng về của những thao tác trên cái máy điện thoại di động. Sơ đang mò số để bấm gọi nhờ đứa cháu điều khiển từ xa một chiếc xe grab đến, chở Sơ đi chữa bệnh. Đang lúc sơ bối rối tìm lại số điện thoại của đứa cháu, tôi ngỏ lời:
-Sơ ơi, Sơ đi đâu ? lên xe con chở đi !
Sơ nhìn tôi với chút ngạc nhiên nhưng cũng còn lưỡng lự chỉ biết tôi là một tín hữu mới tham dự thánh lễ sáng nay. Tôi tiếp tục mở lời:
-Con là một thầy dòng… Sơ cứ an tâm.
Cuối cùng, tôi cũng đã thuyết phục Sơ lên xe.
Sau một hồi trao đổi, tôi được biết, trước khi đi tu, Sơ là một tân tòng. Vốn bản tính hay tò mò, tôi tiếp tục “tấn công” và có câu chuyện thú vị hầu các bạn.
Sơ là con út trong một gia đình gồm 9 người con, thế nên, Sơ được gọi bằng một cái tên rất “quê”: Út Mười. (Tôi đã gọi Sơ bằng một danh xưng của riêng mình: chị Mười Thương). Bố mẹ chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn sỏi đá của vùng biển nóng Phan Thiết. (Những chi tiết cụ thể này đã được sự cho phép của đương sự). Cả gia đình đều đã đăng ký Pháp Danh tại chùa. Từ đó, chúng ta hiểu phần nào lòng sùng đạo của họ. Chính khát vọng đi tìm chân lý mà hạt giống đức tin khả dĩ sẽ sinh hoa kết trái nơi gia đình chị.
Năm lên 7 tuổi, bé Út Mười đang theo học lớp 2 tại một trường gần nhà. Hằng ngày đi học, bé đều đi ngang qua nhà xứ ở gần đó. Cứ mỗi chiều của những ngày tháng 5 (tháng Hoa kính Đức Mẹ), sau khi học xong, bé không về nhà ngay nhưng ghé lại nhà xứ xem các bạn tập dâng hoa. Những màn múa sống động ấy đã tạo trong ký ức của bé những hình ảnh đẹp về một đạo có nhiều sinh hoạt sống động. Chưa hết, vào dịp lễ Giáng sinh, bé cũng trốn nhà và rủ các bạn đi xem các cha làm lễ mà trong trí tưởng tượng của bé các ngài là vua, còn mọi người là thần dân hằng tuân lệnh vua. Còn trong hang đá lại có một Đứa Bé Trai đang giang tay dường như cố mời gọi mọi người đến với mình không biết để làm gì ?!!! Sau những lần trốn nhà hay bỏ cơm không xin phép, bé đã chịu những trận no đòn từ tay người bố nghiêm khắc nhưng điều đó không cản trở bé thường lui đến sân nhà xứ để vui đùa với chúng bạn.
Thế rồi, thời gian vụt qua nhanh, sự đơn sơ hồn nhiên nơi bé Mười đã được thay da đổi thịt bỗng trở thành một thiếu nữ với mảnh bằng tốt nghiệp trung học trong tay, chị được giới thiệu vào một xí nghiệp để quản lý việc thu hoạch lúa vào thời bao cấp. Những người nghèo đến xay lúa, chị chỉ thu đủ tiền xăng dầu cho máy xay, các cơ sở tôn giáo xay lúa số lượng nhiều cũng được chị tính với giá phải chăng. So sánh với những người cùng làm chức vụ như chị vào thời đó, họ đã giàu to, thế mà chị vẫn không khá lắm chỉ đủ trang trải cho bố mẹ và bản thân. Chị không hề biết Tin Mừng về Chúa Giêsu nhưng lại sống như Ngài, nghĩa là chấp nhận sống đơn sơ đạm bạc để chịu sự khốn khó mà làm cho kẻ khốn khó bớt phần khốn khổ; thật hợp với lời của thánh Phaolô đã nói về Đức Kitô: “Người vốn giàu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (II Cr 8,9b).
Cũng trong thời gian này, chị đã quen biết và gần gũi với các Sơ dòng Đa minh mà sau này chị xin gia nhập đạo. Các Sơ đã giới thiệu chị đến cha xứ để theo lớp dự tòng. Sau vài tháng theo học, chị đã chịu cám dỗ nặng nề, muốn tháo lui vì đối với chị, theo Đạo như một cách tỏ ra bất hiếu với Cha Mẹ, Ông Bà…Mặc dù, chị đã được dạy nhiều về việc theo Đạo nhưng vẫn giữ truyền thống thảo hiếu với Bậc tổ tiên. Trong lúc nội tâm phải giằng co giữa bên chữ hiếu và bên đức tin, cha xứ lại đòi buộc cha mẹ phải chấp nhận việc theo đạo của mình, chị đã cầu nguyện với Chúa nhiều nhưng vẫn cảm thấy bất lực, dầu vậy, chị phó thác tất cả cho Chúa.
Quả thế, đường lối của Chúa thật nhiệm mầu, trong lúc chị không dám nói với Bố mẹ về sự thật này thì Chúa đã dùng miệng người mẹ mà nói với chồng:
-Ông coi, con út hình như nó theo đạo nhà thờ đó ông. Tôi thấy mỗi tối nó cứ ngồi rù rì một hồi lâu rồi mới nằm ngủ, sáng sớm ra còn đi đến nhà thờ ông cha nữa.
-Phải không Út ? Ông bố nghiêm giọng hỏi.
-Dạ phải, mẹ nói đúng đó, bố ạ.
-Mai dắt tao lên nhà thờ coi cái ông cha dạy cái gì mà mày mê theo như điếu đổ vậy.
 Sau khi tham dự một buổi học dự thính, ông bố dõng dạc tuyên bố với con:
-Tao thấy mày theo đạo này là Chân Lý đó, mai tao cũng theo.
Chị Mười đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác và thầm cảm ơn Chúa trong lòng. Ông bố nhất quyết đến gặp cha xứ xin học đạo, tuy nhiên, cha xứ trả lời rằng ông cần đợi khóa sau vì khóa này sắp xong rồi.
Thế là ông bố vẫn chấp nhận chờ đợi khóa sau học đạo. Ông đã học được 2/3 thời gian qui định thì bỗng ngã bệnh nặng, bác sĩ báo ông bị ung thư giai đoạn cuối. Thế rồi, ông xin phép cha xứ nghỉ luôn việc học đạo. Thấy thiện chí của ông lão nhà quê, cha cho phép ông lãnh các phép trước thời hạn, ông vui vẻ dọn mình. Sau đó, ông lại khỏe hẳn như nhận được một phép lạ nhãn tiền nhờ việc Chúa tăng sức qua Bí tích Xức dầu thánh. Ông sống thêm 3 tháng nữa, rồi được Chúa gọi về trong sự thanh thản và bình an. Sau đó, là cuộc trở về đầy ngoạn mục của người anh Cả và của người Mẹ.
Có thể nói, những cuộc trở về này càng làm tăng xác tín của chị vào Chúa. Từ đó, chị quyết định theo đuổi con đường tu trì, nhưng nguyện vọng ấy không được các Sơ dòng Đa minh đón nhận ngay vì theo luật qui định một tân tòng muốn gia nhập dòng tu phải sống 10 năm ở ngoài đời. Chị đã chấp nhận điều này như thánh ý Chúa muốn.
Sau khi cha chị mất, chị tìm việc làm trên Sài gòn để gởi tiền lo cho mẹ già ngoài quê. Có một chi tiết khá thú vị trong giai đoạn này mà tôi không thể bỏ qua vì nó nói lên tư chất của một cô gái chân quê chân chất đến lạ lùng. Hành trang mà người mẹ cho chị lên Sài gòn là 2 giỏ trái cây mãng cầu để bán kiếm chút tiền hầu trang trải nơi đất khách quê người, và với một lời khuyên duy nhất: “Con lên Sài gòn đi đâu nhớ tìm ông xích lô lớn tuổi mà nhờ chứ bọn thanh niên chở đi là nguy hiểm đó”. Thế rồi, vừa đặt chân xuống đất ồn ào và náo nhiệt này, chị thấy một đội xích lô đứng đón khách, chị chọn người lớn tuổi nhất theo lời khuyên của mẹ. Chị nói:
-Chú ơi, chở con đến chợ để con bán 2 giỏ trái cây này để kiếm chút tiền.
-Cháu muốn đến chợ nào ? Chú xích lô dò hỏi.
-Cháu tưởng chú biết chợ đó rồi chứ ?
-Trời ơi, đất Sài gòn bao nhiều cái chợ mà biết.
Thế rồi, chú xích lô cũng chở chị đến một chợ gần đó rồi giới thiệu người bán giúp. Sau đó, chú lại hỏi:
-Bây giờ, cháu muốn đi đâu ?
-Chở cháu đến một xí nghiệp may để xin việc.
Hỏi thăm qua lại mới biết chú này cũng thuộc người công giáo, chú đã cho ở tạm tại tư gia đến khi xin được việc nhờ một người con của chú này giới thiệu.
7 năm lăn lộn bươn chải nơi đất khách, tình yêu đã hóa đất lạ thành quê hương. Thời gian “thanh luyện” đã xong, chị cảm thấy cần tìm đến một nhà dòng để theo đuổi khát vọng sâu xa mà Chúa đã đặt trong lòng chị từ ngàn xưa. Chị đã tìm đến dòng Cát Minh nơi thánh Têrêsa HĐGS, vị thánh bổn mạng của chị đã tu và nên thánh, tại Sài gòn; đồng thời, thánh nữ cũng là thánh bổn mạng của chị. Có thể nói, để có một quyết định nhanh chóng như vậy, vì ngay từ lúc theo đạo chị đã nghiền ngẫm nhiều lần về tác phẩm Một Tâm Hồn của chị thánh. Có một chi tiết nhỏ nhưng nói lên tâm tình yêu mến của chị đối với chị thánh.
Một ngày kia, chị gặp một người Công giáo bán bánh mì, họ lại xé từng tờ tác phẩm Một Tâm Hồn mà gói bánh mì bán cho khách. Thấy xót xa và xúc phạm nặng nề, chị đề nghị bà chủ để chị mua một mớ giấy khác hầu đổi lấy cuốn sách quí ấy, bà này đồng ý. Chị mang về đem photocopy phần đã bị xé đi rồi nhờ người đóng lại thành tập sách. Từ đó, nó là cuốn sách gối đầu giường của chị. Một cuốn sách với hai màu giấy trông có vẻ nham nhở kia nhưng lại gợi hứng cả một bầu trời thiêng liêng trong hành trình tâm linh của chị.
Chị tưởng mọi chuyện sẽ xuôi xắn khi đến tu viện của thánh Têrêsa tại Sài gòn, nhưng họ hẹn lại vì nhà dòng chưa nhận dự tu mới. Chị đến dòng Phanxicô ở Thủ Đức để tĩnh tâm và cầu nguyện hầu biết ý Chúa muốn: mình tu ở đâu. Trong những ngày tĩnh tâm chị bị cuốn hút bởi gương lành của thánh nữ Clara, chị hỏi cha giảng phòng rằng tu viện thánh Clara ở đâu. Cha trả lời: Con ra đầu cổng nhà dòng, bước sang bên kia đường là tới chỗ cần tìm. Bỗng dưng trong lòng chị cảm giác một sự bình an lạ lùng và thầm cảm tạ Chúa vì như mọi sự đều được chuẩn bị sẵn sàng. Chị đã được Mẹ Giáo tập nhận vào với một lời an ủi: Dòng chỉ nhận dự tu không quá 25 tuổi, nhưng trường hợp của chị đã 28 tuổi, khá đặc biệt nên được miễn trừ. Từ đó, chị cảm nhận lòng Chúa thương chị nên ra công sống tốt đáp lại tình Người. Đến nay, chị đã sống được 24 năm trong nhà dòng, với khả năng điều dưỡng và may đồ phục vụ cho chị em, chị đã chăm sóc và “vá khâu” nhiều tâm hồn tan vỡ tìm đến với chị. Và dần dà, chị nhận ra Chúa ban cho mình một đặc sủng: người có tài an ủi. Chị đã trở thành tiếng nói chung cho những bên đối lập, cầu nối qua lại giữa các thành viên trong dòng. 
Cảm ơn chị đã đi qua cuộc đời tôi như làn gió mát làm dịu hẳn những mưu tính theo kiểu con người nơi tôi, rằng Chúa có chương trình cho mỗi người. Điều còn lại, hãy để cho Chúa bước vào cuộc đời chúng ta, nơi đó, mọi khô cằn sẽ biến thành hồ ao, hoang địa khô khan nên nguồn suối nước. Và rồi, Chúa sẽ làm cho mọi sự sinh ích với những ai quyết tâm theo Ngài.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.    

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

NGÃ TƯ ĐƯỜNG - 4 CÂY XĂNG - CÂU CHUYỆN KINH DOANH ĐÁNG SUY NGẪM

Ảnh


Có 1 chàng Tây đi lang thang đến một ngã tư đường. Anh ta dòm quanh thấy trống vắng quá bèn cắm dùi mở 1 cây xăng. Xe cộ qua lại ghé vào đổ xăng ủng hộ.

Một anh Tây khác ghé đổ xăng thấy chỗ này cũng được nên anh ta qua bên kia đường mở một cái Garage sửa xe để phục vụ những người ghé vào đổ xăng.

Thế rồi 1 anh Trung Quốc đi ngang thấy vậy bèn qua bên kia đường mở 1 cái nhà hàng phục vụ ăn uống. Một anh khác đi ngang qua... thấy ngã 4 đường có quán ăn, cây xăng, gara có vẻ sầm uất, thế là anh ta qua góc còn lại mở 1 cái Hotel.

Chẳng mấy chốc, ngã tư đường sầm uất hẳn lên... rồi mọi người đến mở thêm tiệm hoa, tiệm thuốc, tiệm cắt tóc v.v... Khu vực trở thành 1 trung tâm thương mại đông đúc. Bà con sống hạnh phúc với nhau.
------------------
Có 1 anh Việt Nam đi lang thang tới một ngã tư đường. Anh ta dòm quanh thấy trống vắng quá bèn cắm dùi mở 1 cây xăng. Xe cộ qua lại ghé vào đổ xăng ủng hộ.

Một ngày kia, có 1 anh Việt Nam đi ngang thấy có vẻ đươc bèn qua bên kia đường mở 1 cây xăng giống y chang rồi bán rẻ hơn 1 chút.

Rồi 1 anh Việt Nam thứ 3 đi ngang, thấy 2 thằng kia làm được bèn chạy qua góc kia mở cây xăng thứ 3, giảm giá thêm chút nữa để cạnh tranh... đến đây thì chắc bạn biết rằng chẳng mấy chốc góc còn lại có thêm anh Việt Nam thứ 4 mở cây xăng thứ 4 và lại giảm giá bán.

Anh thứ 1 chưa kịp thu hồi vốn mà cũng không thể giảm giá nữa vì giá giảm 4 lần lỗ rồi... nên anh ta buộc phải pha tạp chất vô xăng để mà bán kiếm sống.

Anh thứ 2 thấy anh 1 pha tạp chất nên trương cái băng rôn lên bảo rằng "Tiệm số 2 mới là cây xăng Gốc... chính hiệu"...

Anh thứ 3 đứng bên kia đường xỉa xói "Mày căng băng rôn bảo mày chính hiệu, mày là xăng gốc... thế khác nào mà bảo tao bán đồ dỏm à?"... Thế là anh số 3 vác hàng qua đánh lộn với anh số 2.

Anh số 4 thấy thế móc Iphone ra quay phim lại rồi post lên mạng ghi Status "Haizz... làm ăn bây giờ sao bất chính quá... toàn côn đồ và lừa gạt".

Cư dân mạng share rầm rầm thương cảm anh số 4... báo mạng ăn cắp hình anh số 4 về giật tít " Giang hồ đại chiến giành bảo kê ngành xăng dầu".... vô tình tới tai một sếp Công An ...

Sếp công an thấy cái băng rôn của anh số 2 mới giật mình "Hèn gì chiếc Masda 3s người ta cho mình đổ xăng xong thì không chạy nữa.... thì ra thằng số 1 nó pha tạp chất"... thế là cho người xuống kiểm tra.

Cán bộ xuống kiểm tra anh số 1... anh số 1 chửi bới không cho kiểm tra. Móc Iphone ra quay lại đoàn kiểm tra và hù "Mấy anh sao chỉ kiểm tra 1 mình tui?"

Đoàn Kiểm tra sợ bi đăng lên mạng nên đành làm đúng chức năng... đè 3 anh kia ra thanh tra luôn.

Té ra cả 4 anh ai cũng pha tạp chất hoặc bơm không đúng lượng hoặc gắn chip ăn gian. Thế là đóng cửa hết 4 cây xăng. 4 anh phá sản... lại đi lang thang.

Góc đường bây giờ lại trống vắng với 4 cây xăng bỏ hoang tàn phế theo thời gian. Một thời gian sau, người ta thấy ở ngã tư ấy xuất hiện 4 anh đánh giày Việt Nam, và hằng ngày các anh này vẫn đánh nhau để giành khách...

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Chúa ở đâu trong cơn bão tố?

Kết quả hình ảnh cho where is God in storm

Lạy Chúa, xin Ngài hãy nhớ đến con trong lúc này.
Những cơn gió mạnh và những dòng nước đang dâng cao.
Chẳng có ánh sáng nên con chẳng tìm thấy phương hướng.
Con tin rằng Ngài đang ở bên con dù con rất sợ, và thực sự, con không cảm thấy sự hiện diện của Ngài.
Con tự hỏi Ngài đang ở đâu trong cơn bão tố.

Con nhớ lại những lần Ngài đã thi ân giáng phúc cho con.
Con nhớ lại mọi kỳ công lớn, nhỏ Ngài thực hiện – Ngài đã làm tất cả vì con.
Ngài đã ban cho con rất nhiều ơn huệ.
Xin giúp con nhận ra sự hiện diện của Ngài, trong những ân huệ và những kỳ công nhỏ bé mà mỗi ngày Ngài thực hiện cho con.
Xin ban cho con lòng kiên nhẫn khi con chờ đợi ánh sáng của Ngài.
______
Remember me, oh God, during this time.
The winds are strong and the waters rising.
There is no light to see by, and
I’m having a hard time finding my bearings.
I trust that you’ve got me now even though I’m so afraid,
and frankly, I just don’t feel your presence,
and I really wonder where you are in all of this.
I remember, though, all of the times you have blessed me.
I recall all of the miracles—big and small—that you have worked for me.
You really have given me so much.
Help me to recognize your Divine presence,
In small blessings and miracles you work for me every day.
And give me patience as I wait to see again your light.

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Đừng nhìn vẻ bề ngoài, hãy nhìn ở trái tim

Kết quả hình ảnh cho bố con và chiếc xe
Trên thế gian, mọi chuyện không thể chỉ nhìn vào cái vẻ bề ngoài, mà phải nhìn vào trái tim, nhìn vào bản chất, như thế mới giúp được bản thân tránh khỏi những phán đoán sai lầm.

Một người cha có niềm đam mê đặc biệt dành cho xe hơi, cũng vì để mua được chiếc xe yêu thích nên đã tích cóp tiền trong một thời gian rất lâu.

Khi mua được xe, mỗi ngày, ông không ngại cực khổ, cặm cụi rửa xe, đánh sáp, công việc chăm sóc xe đã trở thành việc “hưởng thụ” của ông. Con trai ông thấy ba yêu thích chiếc xe như vậy, cũng thường xuyên phụ rửa xe, hai cha con vô cùng vui vẻ.

Một ngày, người cha về nhà sau một trận mưa lớn, chiếc xe dính đầy bùn đất, nhưng ông lại quá mệt mỏi, nên nói với con trai: “Hôm khác rửa xe nhé con!”.

Người con trai thấy mình đang rảnh rỗi, liền xung phong muốn thay cha rửa xe, và được đồng ý. Tuy nhiên, người cha này lại quên là con trai mình mới có 5 tuổi, ông trở về phòng nghỉ ngơi mà quên không chuẩn bị dụng cụ gì cho cậu bé cả.

Con trai hào hứng xông ra rửa xe, nhưng lại không tìm thấy khăn lau. Cậu bé chạy vào trong bếp, đột nhiên cậu nghĩ tới cái miếng chùi xoong mà mẹ vẫn thường dùng để chà nồi rất sạch sẽ, vì vậy cậu liền lấy ngay miếng thép ấy để dùng.

Jake cầm miếng chùi xoong, chạy tới chỗ xe và ra sức chà, hết lần này tới lần khác. Sau khi cậu chà xe xong, cậu phát hiện trên xe có những vết nguệch ngoạc, cậu sờ lên chỗ đó, lại thấy sần sùi, lồi lõm.

Người con sợ tới mức khóc toáng lên. Đứa bé chạy ngay tới phòng ngủ vừa khóc vừa nói: “Ba ơi, con xin lỗi, ba mau tới xem đi!”.

Ông bố vội vàng theo con trai chạy ra ngoài, chứng kiến chiếc xe “cưng” của mình thê thảm như vậy thật không dám tin là sự thật, ông ngẩn người nói không nên lời, sau cả nửa ngày mới kêu lên: “Ôi! xe của ta, xe của ta!”.

Ông cảm thấy tức giận tới cực điểm, xông vào trong phòng, ngửa mặt lên trời mà nói rằng: “Chúa ơi ! Đây là chiếc xe mà con dùng hết tài sản tích lũy mới mua được, chưa đến một tháng, đã biến thành như vậy, thỉnh người cho con biết, con nên làm như thế nào? Con nên xử phạt đứa con này như thế nào đây?”.

Lời cầu xin vừa chấm dứt, đầu óc của ông đột nhiên trở nên sáng suốt, một suy nghĩ chợt lóe lên: “Trên thế gian mọi chuyện đều không thể nhìn vào cái bên ngoài mà phải nhìn vào trái tim”.

Lúc này, nhìn đứa con trai nước mắt đầm đìa, ánh mắt sợ hãi cùng áy náy, người cha từ từ lại gần khiến con trai phát run lên. Người cha đứa con trai nhỏ vào lòng, mắt đỏ hoe nói: “Cảm ơn con trai đã giúp ta rửa xe, ba yêu con, còn yêu hơn cả chiếc xe này!”.
Sưu tầm.

Nơi một cõi rất riêng - cõi mạng ...

Kết quả hình ảnh cho anh hùng bàn phím
Thế giới phẳng bây giờ xao động quá
nơi người ta tự cho mình quyền lực để phán xét và tung hô
bàn phím ảo êm như bước đi của tinker bell vậy mà cuốn lên từng cơn lốc dữ
ném vào nhau quá mức những hận thù, những phô trương, những dối lừa tráo trở
tình yêu tìm đến em từ đôi cánh mong manh của loài chim huyền thoại
anh tìm đến em không phải trên chiếc thuyền giăng cánh buồm đỏ thắm mà bằng một ngàn đêm thao thức với hoa vàng nơi một cõi rất riêng -
cõi mạng ...
vậy đó mà sao bây giờ em sợ
khi đọc những bài tụng ca của các hot facebooker tự xưng là nhà văn nhà báo mà viết không tròn một câu tiếng Việt
em sợ
khi len lỏi vào những comment đầy tính đen tối hận thù
em sợ
những học giả, triết gia có râu và không râu ung dung ngồi gõ phím để ném vào nhau những ngôn từ rất đỗi lung linh, bẻ cong cả hai bờ hư thực.
- thơ DQN

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Trong đau khổ Thiên Chúa ở đâu?

Có thể nói, chứng lý mạnh nhất mà những người chủ trương vô thần dựa vào đó để phủ nhận hiện hữu của Thiên Chúa, là đau khổ và sự dữ. Họ dựa vào hai phẩm tính của Thiên Chúa: Toàn năng và yêu thương, mà “lên án tử” cho Ngài. Thật vậy, một Thiên Chúa toàn năng không thể để cho đau khổ và sự dữ tồn tại trên trần gian. Lại nữa, một Thiên Chúa yêu thương không thể dửng dưng với số phận nghiệt ngã của con người…Những luận chứng như thế càng làm con người xa rời Đạo giáo và không giúp con người lớn lên và được giải thoát. Chúng ta không đi sâu vào những cuộc tranh luận về mặt trí thức vì như thế không dẫn đến đức tin. Nhưng chính khi chấp nhận đảm nhiệm cuộc sống mình cách tích cực và tinh thần đức tin, chúng ta dễ dàng khám phá ra trong từng khoảnh khắc sướng khổ của phận người có sự hiện diện sống động và tràn đầy của Thiên Chúa.
Toàn năng
Có nhiều người cho rằng: Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự. Nếu hiểu như thế, Thiên Chúa không toàn năng. Vì Ngài chỉ có thể hành động phù hợp theo bản tính Thiện của mình. Như thế, Ngài không thể là nguyên nhân của sự dữ. Và sự dữ đến từ một nguồn khác, mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta câu trả lời: kẻ chủ mưu chính là Satan.
Vấn đề đặt ra: Một Thiên Chúa toàn năng sao không ngăn chặn mưu đồ làm điều ác ? Có chứ ! Tùy trường hợp. Chúng ta có thể nhận ra sự can thiệp của Ngài trong cú ngã ngựa của thánh Phaolô. Chúng ta thử tưởng tượng khi được chứng thư của các nhà lãnh đạo Do thái, ông hầm hầm sát khí, lên đường tìm các Kitô hữu để bách hại, bắt tù…tắt một lời, ông gây đau khổ, bấn loạn cho các kitô hữu. Mưu ác không thành. Ông bị Chúa quật ngã xuống đất… và sau đó, ông nhận được một sứ vụ mới.
Một điều hết sức kỳ diệu là: qua cú ngã ngựa ấy, Chúa không cướp đi sự tự do của ông. Nhưng đây chỉ là “cú phanh” kịp thời giúp ông phản tỉnh lại về những mưu tính của mình không đẹp ý Thiên Chúa (mà sau này trong một lá thư, ông thú nhận là lúc đó bản thân hành động vì thiếu hiểu biết). Nếu trước kia, ông nhiệt tình bảo vệ Đạo Giáo đến nỗi bách hại những ai đi ngược với truyền thống cha ông thì bây giờ, ông lại nhiệt thành gấp bội để loán báo Tin Mừng về Đức Kitô chịu chết và phục sinh đem lại ơn cứu độ cho mọi người. Phân tích cụ thể và minh bạch như thế không ngoài mục đích giúp chúng ta nhận ra vai trò của Thiên Chúa trong lịch sử loài người, đó là Ngài tác động trực tiếp và gián tiếp đến đời sống con người, nhất là bảo vệ con người khỏi tai họa, khổ đau. Đây chỉ là một trong những minh chứng được Kinh Thánh tường thuật; còn biết bao điều lạ lùng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thi thố trong cuộc đời của các chứng nhân hy vọng. Sau những đau thương của cuộc đời, chúng ta phải xác tín chân lý này, Thiên Chúa làm chủ lịch sử; Ngài quan phòng cho mọi sự đạt đến cứu cánh tốt đẹp nhất. Chúng ta dễ bị cám dỗ mà nghĩ rằng: sao Thiên Chúa không can thiệp vào những đau thương của cuộc đời tôi ? Ngẫm nghĩ trong từng khoảnh khắc cuộc sống, chúng ta có thể nhận ra “ánh sáng” ở cuối con đường. Rằng: Thiên Chúa vẫn có đó khi tôi tưởng chừng mình đang cô đơn.
Tôi cũng nghĩ đến các thánh cũng như những người đạo đức được diễm phúc in 5 dấu thánh. Đọc nhật ký của họ viết, họ phải trải qua những cơn đau đớn khủng khiếp, đồng thời, những khổ tâm do những hiểu lầm của người đời…họ là một người “đau khổ”. Bạn thử hỏi 5 dấu thánh ấy đến từ đâu ? Khoa học không thể lý giải những trường hợp ngoại thường này. Do đức tin và lòng đạo đức, chúng ta bảo rằng Thiên Chúa thưởng công và ghi dấu ấn tình yêu trên những người thánh thiện. Như thế, đau khổ hay phần thưởng chỉ là do cái nhìn chủ quan của con người. Vấn đề là chúng ta cần khám phá ra sự hiện diện yêu thương của Ngài trong từng biến cố của cuộc đời. Và luôn xác tín như thánh Augustinô: Thiên Chúa rút từ sự dữ ra sự lành. Thiết tưởng, đó mới là dấu chứng của Thiên Chúa toàn năng.
Tình yêu
Có thể nói, ý chí tự do là một trong những nét đẹp được nhiều người dùng để giải thích về chân lý này: con người dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thật vậy, nhờ tự do, con người có thể chọn Thiên Chúa để sống thân mật với Ngài như một mối liên hệ quan trọng nhất trong đời; cũng nhờ tự do, con người có thể sống dấn thân với tất cả tình yêu hầu đi đến với Thiên Chúa là tình yêu. Thiết tưởng, đó là ý định tốt lành của Thiên Chúa; đó là cứu cánh của tự do con người. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn con người đã lạm dụng tự do để sống buông thả, hưởng thụ quá độ, chà đạp nhân phẩm, xúc phạm nhân quyền…tắt một lời, con người tự do làm khổ nhau. Với sự toàn năng của Thiên Chúa, chắc hẳn, Người biết và lường trước những hệ lụy con người gây ra cho nhau. Như thế, Ngài có chịu trách nhiệm phần nào trong những việc này chăng ?
Nếu xét về mặt luân lý, Ngài chẳng làm điều gì ác nên tội để phải chịu trách nhiệm về nó. Hơn nữa, Thiên Chúa không chịu chi phối bởi luật luân lý dưới bất cứ hình thức nào. Bởi đó, Ngài hoàn toàn không chịu trách nhiệm trong tội ác của con người tạo nên. Còn nếu xét trong tương quan giữa Đấng Tạo Hóa và các tạo vật, Thiên Chúa chịu “trách nhiệm” gián tiếp trong khi ban cho con người tự do và biết trước rằng con người có thể lạm dụng tự do và làm điều xấu. Trong khi Thiên Chúa ban tự do cho con người như việc Ngài cho con người thông chia tính toàn năng của Thiên Chúa thì họ lại làm dụng đi ngược với ý định của Ngài. Thế rồi, Thiên Chúa đã chịu trách nhiệm trong tình liên đới với tội lỗi con người. Điều này đã được thánh Phaolô diễn tả tuyệt vời qua câu nói: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Chính khi Đức Giêsu chết vì tội lỗi chúng ta mà Người đã chịu trách nhiệm và chữa lành những vết thương do con người lạm dụng tự do gây nên. Như thế, việc một số người cho rằng Thiên Chúa đã dửng dưng trước đau khổ của con người là một sai lầm. Thiên Chúa không can thiệp vào lịch sử nhân loại theo ý muốn của con người. Đức Giêsu chẳng xuống thập giá vì một lời thách thức của con người. Dần dà, chúng ta sẽ nhận ra cách hành động của Thiên Chúa: thay vì Ngài rút lại hay ngăn chặn hành động tự do của con người, thì Ngài lại hóa giải từ sự dữ ra sự lành. Thiết tưởng, đó là cách tốt nhất để Thiên Chúa mặc khải Ngài là Đấng toàn năng đầy yêu thương.
Người đồng hành
Chúng ta đã từng nghe câu chuyện về giấc mơ của một chàng thanh niên. Mỗi ngày chàng đi dạo bộ với Chúa Giêsu trên bãi biển rất êm ả và bình yên. Chàng thích thú vì những dấu chân song hành như hai người bạn. Đến một ngày sóng to gió lớn, chàng lại chỉ thấy có một dấu chân. Trong hoảng hốt và sợ hãi, chàng hỏi Chúa đi đâu lúc cuộc đời đầy biến động. Chúa trả lời: “Chính những lúc ấy Ta đang bồng bế con trên tay”. Kinh nghiệm của chàng thanh niên này là một bài học khích lệ chúng ta tin tưởng và phó thác vào tình thương Chúa. Quả thật, Người vẫn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống.
Trong những lúc chúng ta bị hiểu lầm, chối từ, cô lập…thiết tưởng, việc đồng hóa mình vào những nhân vật trong các sách Tin Mừng sẽ là một lợi khí giúp ta dễ dàng vượt qua những đêm tối. Một Madalena bị xã hội lên án, ruồng bỏ…lại được tiếp chuyện với Chúa. Một Giakêu bị xếp vào hàng người bất chính, lại được Chúa đồng bàn ăn uống…Những mảnh đời đau khổ luôn tìm được nguồn nâng đỡ nơi Chúa Giêsu. Đôi khi, chúng ta chỉ cần một câu lời Chúa như lời hứa về một tương lai bất định, làm ánh sáng hướng dẫn bước ta đi. Những lúc chúng ta bị hiểu lầm, đặt điều, bôi nhọ, thì lời hứa: sự thật sẽ giải phóng các con, sẽ là một cái neo bám chặt vào lòng Chúa yêu thương. Điều quan trọng là tránh nổi giận, la lối thóa mạ, vì theo lời thánh Gioan Vianney: “Đau khổ trong an bình, sẽ chẳng còn đau khổ nữa”. Có thể nói, sự bình an trong tâm hồn là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa cơn biến động. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là thế !
Xét cho cùng, chỉ trong cơn khốn khó, người ta mới nhận ra đâu là “vàng thật”; chỉ những người xác tín sự hiện diện của Chúa trong đời và chọn Chúa làm ý nghĩa của cuộc sống, mới khả dĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc đời.
Nạn nhân
Một người phụ nữ kia đang đau lòng vì vừa mất đứa con 8 tuổi duy nhất của bà. Cái chết bất ngờ của người con này đã làm tăng nỗi cô đơn trong bà. Trong nỗi tức giận, mê sảng, bà tìm đến Cha xứ, bà hỏi: “Tại sao tôi có một đứa con duy nhất mà Chúa cũng cướp đi ?” Thấy người đàn bà này quá bị kích động, vị linh mục liền nghĩ ra một cách giúp bà giải tỏa, ngài đề nghị: “Đây, tôi gởi bà một cuốn tập, bà hãy tưởng tượng ra Chúa đang có mặt ở đây trước mặt bà và hãy viết những gì bà cần nói”. Và rồi, như một cơ hội bà trút hết sự tức giận lên một vị Thiên Chúa tưởng tượng. Nỗi đau quá lớn khiến bà trở thành một kẻ khát máu; bà không chỉ phỉ nhổ, chưởi rủa Ngài mà còn muốn treo Ngài lên cao giữa trời và đất…Lát sau, bà đã thấm mệt và thiếp đi lúc nào không biết. Vị linh mục vào, bà liền tỉnh dậy và trao lại cuốn tập đã viết với những dòng chữ đầy “máu và lửa”. Đọc xong, vị linh mục nói: “Thế là bà đã giết Thiên Chúa một lần nữa. Phần Ngài, Ngài nói với bà điều gì, bà biết không ?” Bà đáp: “Thưa, không”. Vị linh mục nói: “Chúa bảo rằng xin Cha tha cho bà vì bà không biết việc bà làm”.
Tha cho kẻ muốn giết mình đó là cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa. Chết thay và cứu chuộc cho kẻ giết mình là cách thể hiện tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chúng ta có thể hỏi Ngài ở đâu trong lúc tôi gặp đau khổ. Ngài là nạn nhân trong kẻ xấu số là bạn. Ngài trở nên bất lực với người bất lực nhưng không tuyệt vọng. Ngài đã chấp nhận để bạn treo Ngài lên thập giá vì tôn trọng tự do của bạn. Chúa muốn bạn dùng tự do để yêu mến Ngài nhưng bạn đã dùng tự do để giết Chúa. Ngài toàn năng nhưng không rút lại tự do của bạn. Ngài không hối hận khi ban tự do cho bạn. Ngài đợi chờ bạn chính nơi bạn đã giết Ngài. Núi Sọ phải trở thành điểm hẹn thường xuyên của bạn khi đang đối diện với những đau khổ hay bất công đời này. Không ai đau khổ hơn Ngài vì bị người yêu phản bội. Không ai chịu bất công như Ngài dù vốn là người vô tội. Bạn có sẵn sàng chấp nhận khổ giá cùng với Đức Kitô để được phục sinh với Người không ? Đó là thách đố và đồng thời là một hồng ân trong cuộc biến đổi. Chúng ta chỉ thực sự biến đổi và trưởng thành trong đau thương. Chúng ta chỉ trở nên vững mạnh sau những lần gục ngã thảm thương. Sau những lần như thế, bạn sẽ ngộ ra thân phận bất lực của con người khi đứng trước đau khổ. Đồng thời, sống phó thác vào Đấng rút từ sự dữ ra sự lành cho những ai yêu mến Ngài.
Tóm lại, chúng ta đã trình bày Thiên Chúa toàn năng và Tình Yêu như một minh giải cho vấn đề đau khổ mà những người vô thần đã dùng để khước từ và phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi đó, việc suy tư và đào sâu trong lãnh vực này sẽ giúp chúng ta có một hướng nhìn đúng đắn và thích hợp theo nhãn quan Kitô giáo. Chúng ta cần tái khẳng định rằng đau khổ là một huyền nhiệm, nó gắn liền với cuộc hiện sinh của con người. Thế nên, chúng ta sẽ không có một câu trả lời thỏa đáng mà chỉ là những kinh nghiệm bản thân hết sức chủ quan. Xét cho cùng, chỉ có đau khổ của Đức Kitô mới đích thực là mô phạm của mọi người. Vì khi chiêm ngắm Người trên Thánh Giá, chúng ta nhận ra hình ảnh bản thân. Dần dà, chúng ta nhận ra Người là Đấng rất gần gũi, đang đồng hành và là nạn nhân cùng chịu đau khổ với ta; và nói như thi sĩ Paul Claudel: “Đức Kitô đến không phải để hủy bỏ cũng không phải để giải thích đau khổ, nhưng làm cho đau khổ đầy tràn hiện hữu của Người”.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã là ý nghĩa cuộc đời tôi khi Người hiện diện với tôi trong mọi khoảnh khắc cuộc đời, nhất là trong lúc đau khổ, tưởng chừng như bế tắt và buông xuôi. Người là hy vọng duy nhất cuộc đời tôi.
EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Niềm vui đời dâng hiến

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và trong nhà
Sống trên đời mà không có niềm vui, ấy chẳng còn là sống nữa. Có thể nói, những niềm vui là quà tặng và là nguồn nâng đỡ lớn lao mà Tạo Hóa ban cho con người. Niềm vui giúp ta thêm yêu cuộc sống, giúp ta thăng hoa sự hiện hữu của mình, giúp ta tìm thấy ý nghĩa những gì ta đang thụ hưởng. Cuộc đời ta sẽ trở thành hỏa ngục khi vắng đi tiếng cười, khi không có cảm giác hạnh phúc hay không biết mình tồn tại để làm chi. Bởi thế, như một thúc đẩy của tự nhiên, con người nào cũng có xu hướng tìm đến nơi nào mà họ nghĩ là sẽ mang đến cho họ thật nhiều niềm vui, không chỉ là tiếng cười bên ngoài nhưng còn là khoảng bình an sâu thẳm tận bên trong. Ta chẳng hiểu “vui” là cái gì, nhưng ta biết rằng đó là điều mà ta đang tìm kiếm.
Từ bỏ tất cả để sống trong bốn bức tường của dòng tu có thể nào cũng là một niềm vui đối với một số người nào đó không? Sao lại phải che đi mái tóc óng mượt, là nét duyên dáng của người con gái, bằng lúp vải đậm màu? Sao lại phải khoác lên người chiếc áo vừa đơn sơ, vừa gợi buồn như thế? Những phút vui vầy nhảy nhót trên vũ trường không thú vị hơn cái thinh lặng đến lạnh người nơi nhà nguyện sao? Một cái ôm và nụ hôn nồng cháy bên người yêu mỗi dịp lễ không hấp dẫn hơn tràng chuỗi và cây thập giá kia à? … Người ta có thể nhìn về đời tu như một cái gì đó thánh thiêng và lạ kỳ không tả nỗi. Nhưng chắc là đã không ít lần ta tự hỏi: một đời sống bỏ mình, giản dị và âm thầm như thế liệu có niềm vui nào không?
Niềm vui đầu tiên của họ là những khoảnh khắc một mình ngồi với Chúa, lúc buồn cũng như lúc vui. Họ ngồi đấy một mình! Có khi có điều gì đó để nói, có lúc chẳng có gì để thưa, nhưng điều đó không quan trọng, chỉ cần một sự hiện diện thôi. Nhìn ngọn đèn chầu lấp lóe, họ thấy phận mình của nhỏ bé và chập chờn như bóng mây, nhưng lại được diễm phúc trở nên người thân cận với Chúa. Trong sự thinh lặng thâm sâu ấy, họ thấy mình được bình an đến vô chừng, một kiểu bình an vượt xa những ngôn từ hoa mĩ nhất. Họ như được chiếm hữu cả linh hồn để vui niềm vui khi không có gì cả và không còn là gì nữa. Mặc cho đời bon chen để kiếm bạc tiền và tôn thờ nó, họ lại cảm thấy một sự tự do vô cùng lớn khi tẩy sạch khỏi tâm trí và cõi lòng mình những bợn nhơ của thế tục nhân gian. Khoảnh khắc ngồi bên Chúa trở nên châu báu của họ, là viên ngọc quý giá mà họ đã vô tình tìm thấy nơi “thửa ruộng”, rồi bán hết tất cả những gì mình có để mua cho kỳ được. Ở với Chúa, họ như được trút bỏ những mệt mỏi, những hiểu lầm, những ganh tị, những chán nản và thậm chí cả nỗi cô đơn của kiếp người tại thế. Họ quỳ gối xuống, hướng lòng lên cao, lặng ngắm cây thập giá trên kia và cảm nghiệm về một tình yêu vô lượng vô biên vô bờ bến. Một sự ấm áp lạ kỳ bỗng lan tỏa khắp cơ thể và làm con tim họ như muốn vỡ òa lên niềm hạnh phúc vì cảm thấy mình được yêu, bất chấp họ tội lỗi, họ bất xứng, đã không biết bao nhiêu lần bội phản lại ân tình cao quý kia. Ở lại với Đấng mà họ yêu, đó là niềm vui ngọt ngào nhất khiến họ đánh đổi tất cả mà chẳng thấy thiệt thòi gì.
Là một con người của Chúa thì cũng đồng thời trở thành một con người của tha nhân. Họ trở thành người mà bất cứ ai cũng có thể tìm đến để trao gửi tâm tình, để tìm kiếm sự nâng đỡ và lời chỉ dẫn khôn ngoan. Người ta tin tưởng họ vì người ta nhìn thấy nơi họ một tâm hồn thật thanh thoát và sáng trong, không vướng bận bất cứ một hạt bụi hư danh nào. Người tu sĩ tự trói buộc mình với những lời khấn chính là để được tự do với của cải vật chất, với mọi mối tương quan và mọi ý nguyện sở thích riêng của mình. Nhờ đó, họ trở thành điểm tựa cho ai cần đến, là niềm an vui cho những kẻ buồn sầu. Họ kiên nhẫn ngồi lắng nghe từng tâm tư của người khác, họ thấu hiểu từng nỗi lòng mà người ta đang mang, mà không sợ phiền nhiễu hay mất thì giờ cho công việc riêng tư của mình. Họ khóc với người khóc để giọt nước mắt kia bớt đi vị chát đắng, họ cười với người cười để niềm hạnh phúc ấy được đậm nét yêu thương. Họ trải cõi lòng mình ra thật rộng để lan tỏa đến cho mọi người tình yêu nồng ấm mà họ đã lãnh nhận được từ trời cao. Họ trở thành nơi mà những ai không thể tìm đâu được lối thoát sẽ chạy đến để xin được chỉ đường. Không là của ai để trở thành người của tất cả, ấy cũng là một niềm vui trong đời sống hiến dâng.
Như cánh chim tung tăng bay lượn trên bầu trời tự do, người tu sĩ cũng nhẹ nhàng và thanh thoát như thế. Họ không phải là những người đi du lịch, tìm chỗ nghỉ dưỡng cho bản thân, nhưng là những con người luôn sẵn sàng ra đi để vun trồng Tin Mừng cứu rỗi. Đố ai có thể đếm được bao miền đất mà họ đã đi qua! Ngay cả khi giam mình trong dòng kín, tâm hồn người tu sĩ vẫn có thể vượt qua cánh cổng đan viện, vươn đến những mảnh đất nghèo tận trời xa. Một cảm giác không ai và không có gì có thể cầm giữ chân mình thật tuyệt dịu. Họ đến những nơi không ai muốn đến, họ gặp những người chẳng ai dám gặp, để nói những điều mà họ xác tín là chân lý cứu độ nhân gian. Đi đến đâu, họ nhóm lên ngọn lửa yêu thương, để mọi người được sống an vui trong an bình và thịnh vượng. Khi mọi thứ đã ổn định, họ âm thầm cất bước ra đi khi mặt trời còn đang say giấc, để tiếp tục tung bay đến miền đất mới, với cùng một nhiệt huyết và hăng say, mà chẳng cần ai ghi ơn hay tạc tượng kính nhớ. Họ cứ đi và đi mãi, như Giêsu, thần tượng của đời họ, cho đến khi đôi bàn chân bị ghim chặt vào cây thánh giá mới thôi. Mệt mỏi đấy, vất vả đấy… nhưng với họ, đó lại là niềm vui!
Thật lạ kỳ: sự thinh lặng, sự từ bỏ và sự ứng trực ra đi là thảm họa với nhiều người, nhưng lại trở thành niềm vui của người sống đời dâng hiến. Đối với các tu sĩ, thinh lặng không phải là tự kỷ nhưng là để gặp gỡ và chuyện trò; từ bỏ không phải là mất mát, nhưng là để có và sở hữu nhiều hơn; ứng trực ra đi không phải bấp bênh nhưng là để dựng xây và nối kết. Bằng chính lối sống của mình, người tu sĩ làm thức tỉnh thế giới khỏi giấc ngủ mê lầm của công danh, tiền tài và ngẫu tượng. Họ trở thành dấu chứng chắc chắn cho sự hiện hữu của Thiên Đàng, nơi mà người ta chỉ chăm chú hướng về Chúa và không còn một sự hăm hở nào về những phù hoa. Thế đấy, niềm vui của đời dâng hiến là được trở nên chiếc thang nối liền trời và đất, hệt như cây thập giá năm xưa đứng hiên ngang cho thân mình Đấng Cứu Tinh tựa vào mà chiến đấu với sự ác. Đời dâng hiến đích thực là một cây thập giá vì nó đòi phải hy sinh rất nhiều. Nhưng Chúa cần cây thập giá ấy để treo mình lên cao mà ban phát ơn cứu độ cho muôn dân nước. Ước gì mỗi người tu sĩ thực sự trở thành cây thập giá của Chúa, luôn nằm đằng sau Chúa, dính liền với Chúa, trở thành một khí cụ trong tay Chúa, và không bao giờ là một cản trở cho công cuộc cứu thế của Chúa. Niềm vui của đời dâng hiến chỉ đơn giản là thế thôi!

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

Đời thay đổi khi ta thay đổi

Kết quả hình ảnh cho thay đổi thái độ


Cả gia đình đang ăn sáng, con gái vô tình làm đổ cà phê ra áo sơ mi của bạn. Bạn tức giận, quát con gái và mắng vợ đã quá bất cẩn khi để cốc cà phê quá gần mép bàn. Vội vàng thay chiếc áo mới nhưng khi bạn quay lại bàn ăn, con gái đang khóc vì chưa ăn sáng xong và cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng sách vở để đi học. Kết quả là, con gái không bắt được xe bus đi học. Vợ vội vã vì đi làm muộn nên bạn phải đưa con đến trường. Bạn cũng muộn giờ làm, vì thế bạn lái xe rất vội.

Đến công ty muộn 20 phút, bạn mới phát hiện ra mình đã quên giấy tờ quan trọng ở nhà. Khởi đầu một ngày mới thật tồi tệ. Có lẽ, cả ngày cũng sẽ chẳng khá hơn! Tan làm, vợ và con gái chào đón bạn với khuôn mặt ủ rũ và căng thẳng. Nguyên nhân vì sao?

A. Vì con gái làm đổ cà phê.

B. Vì con gái lỡ xe bus nên bạn phải đưa con đi học.

C. Vì tắc đường nên bạn muộn giờ làm.

D. Cách bạn phản ứng khi con gái làm đổ cà phê đã dẫn đến loạt những sự việc khó chịu tiếp theo.

D chính là câu trả lời đúng. Chính bạn đã khiến cả gia đình trải qua một ngày tệ hại. Bạn không thể ngăn việc con gái làm đổ cà phê nhưng bạn có thể thay đổi cách phản ứng.

Nếu có thể quay lại buổi sáng, bạn sẽ làm thế nào? Khi cà phê làm bẩn áo sơ mi của bạn và con gái sắp khóc, bạn chỉ nói nhẹ nhàng: "Không sao, lần sau con cẩn thận hơn nhé". Bạn lấy khăn lau, đi vào phòng ngủ để thay chiếc áo khác, sau đó cầm những giấy tờ cần thiết cho công việc và quay lại phòng ăn. Qua cửa sổ, bạn nhìn con gái đã lên xe bus đến trường. Chào tạm biệt vợ, bạn lái xe đi làm mà không gặp tắc đường, thậm chí còn đến công ty sớm hơn 5 phút.

Hai diễn biến khác nhau cho cùng một câu chuyện. Giờ thì bạn đã hiểu cách phản ứng của bạn ảnh hưởng thế nào đến những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Tất nhiên, ai cũng có thể đổ lỗi cho người khác về những rắc rối mà họ gặp phải, nhưng phàn nàn về mọi thứ liệu có ích gì?

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Một góc nhìn mô hình xã hội học

Một giáo sư kinh tế ở một trường Đại học cho biết ông chưa từng đánh trượt sinh viên nào nhưng đã từng đánh trượt cả một lớp. Lớp đó kiên quyết cho rằng một xã hội có hình thái tổ chức hoàn hảo là một xã hội không ai giàu và cũng không ai nghèo và đó là một cách cân bằng tuyệt vời.
Thế là vị giáo sư nói: “Được rồi, vậy lớp mình sẽ tiến hành một thí nghiệm về điều đó. Tất cả các điểm sẽ được tổng hợp lại và chia đều ra, mọi người sẽ nhận được điểm như nhau, vì thế không ai bị trượt và cũng không ai được A cả.”
Sau bài kiểm tra đầu tiên, mức điểm trung bình cho cả lớp là B. Những sinh viên chăm rất buồn, còn những sinh viên lười rất mừng.
Qua bài kiểm tra thứ hai, những sinh viên lười thậm chí còn lười hơn, còn những sinh viên chăm thì quyết định rằng họ cũng chỉ nên học ít thôi. Điểm trung bình cho bài lần hai là D! Không ai vui cả.
Đến bài thứ ba, điểm trung bình là F. Mức điểm không hề tăng lên, còn các cuộc cãi vã, buộc tội, nêu tên nổ ra, mọi người đều khó chịu và không ai muốn học để người khác có lợi.
Đến bài cuối cùng, tất cả đều trượt, và ai cũng ngỡ ngàng. Giáo sư đã nói với họ rằng: Thông qua kết quả những bài kiểm tra thì các bạn có thể dễ dàng thấy được rằng, kiểu gì thì kiểu xã hội mà các bạn đang mong muốn cũng khó thành hiện thực vì dù ý tưởng rất hấp dẫn nhưng khi đưa vào thực thi chẳng ai còn động lực để làm việc nữa. Không gì đơn giản hơn thế !
Cuối cùng ông tổng kết:
“Bạn không thể làm người nghèo giàu lên bằng cách khiến người giàu nghèo đi. Người không phải làm gì vẫn được hưởng trong khi người phải làm thì không được hưởng gì. Chính phủ không thể cho ai cái gì mà không lấy thứ đó từ người khác. Khi một nửa nhân dân thấy rằng họ không cần làm gì vì sẽ có nửa khác làm cho, còn nửa còn lại thì nghĩ họ làm cũng chẳng ích gì vì sẽ bị kẻ khác đoạt mất, đó chính là khởi đầu của kết thúc cho mọi xã hội !"
"Không ai có thể gia tăng sự giàu có bằng cách chia đều nó ra..."
-ST-

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Chúa biết

Chúa biết là con chưa thánh thiện
Giữa đời thường muôn lối nẻo đam mê
Dù nhiều khi con cũng thấy ê chề
Nhưng vẫn mải đam mê màu trần thế
Chúa biết là con chưa vững mạnh
Giữa cuộc đời mộng ảo vướng tâm tư
Dù nhiều khi nghe lòng mình thổn thức
Hồn sâu khắc khoải chỉ yêu Chúa mà thôi
Chúa biết là con rất yếu mềm
Trần gian cát bụi ngỡ ấm êm
Để nhiều khi thấy lòng con đau xé
Chút mảnh đời thấm lệ ướt quanh mi
Chúa biết là con rất mọn hèn
Đã lắm phen tội đời chất ngất
Có lúc tưởng mình bị mất đức tin
Nhờ ơn Chúa giúp con vẫn trung thành.