Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Sự hài hước làm cho người tu dễ thương, dễ mến và dễ gần.


Một trong những dấu chỉ của người có ơn gọi trong đời thánh hiến là sự vui vẻ. Vui vẻ là một biểu hiện của tâm hồn hạnh phúc. Người vui vẻ thường có tính hài hước, đôi khi là “nghịch ngợm”. Chính sự hài hước làm cho người tu dễ thương, dễ mến và dễ gần. Người tu nào lúc nào cũng mang trên mình một khuôn mặt cau có khó ưa là một người phản chứng và phản cảm. Vì những người loan báo Tin Mừng thì phải vui vẻ. Nếu không là kẻ đem tin buồn.
Có nhiều người rất thích nói chuyện với người tu. Không chỉ vì những người này đáng tin mà còn vì sự hài hước vui vẻ của người tu. Sự hài hước thì không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Có một linh mục kể chuyện như thế này. Một lần cha đến cộng đoàn nữ tu kia. Cha đang ngồi để đợi một nữ tu mà mình quen biết. Một ma sơ lớn tuổi bước ra. Tay cầm ly nước mời cha uống và nói: “Cộng đoàn chúng con vô cùng thương tiếc đón tiếp cha”. Cha giật mình vì trình độ “chém gió” của ma sơ này. Cha đáp lại: “con xin chân thành cảm ơn ly nước và sự tiếp rước của sơ. Xin Chúa trả công bực bội cho sơ”. Khi ra về cha được ma sơ già đưa ra tới cổng và nói: “chúc cha đi bình an và đừng phạm tội nữa” (cha giật mình). Cha này cũng khá nhanh nhẹn liền đáp lại. “Con cảm ơn sự tiếp đón vô cùng nồng nặc của sơ. Con đến đây có gì ‘sơ xuất’ xin sơ ‘tha’ cho con.”
Nhà tu hay hài hước bằng nghệ thuật chơi chữ. Chơi chữ thì có nhiều loại. Phổ biến là dùng từ mang nhiều ý nghĩa và nói lái. Dùng từ đồng âm dị nghĩa là một biện pháp hay được sử dụng để nói chuyện hài hước. Xin đơn cử một câu chuyện làm ví dụ minh họa. Ở một xứ nọ, thấy một ông thầy đang uống nước. Một ma sơ đến nói: Thầy ơi! Thầy “nghỉ tu” đưa cho con. Thầy liền đáp trả: Đừng đụng vào thầy. Để yên cho thầy tu. Chữ tu ở đây vừa có nghĩa là uống nước vừa có nghĩa là tu hành. Giống như chữ “sơ xuất” trên kia. Nó vừa có nghĩa là thiếu sót ngoài ý muốn, vừa có nghĩa là chuyển hướng không đi tu nữa.
[​IMG] ​
Người có tính hài hước thì hay có những câu chuyện tiếu lâm. Có những cha đã sưu tầm cho mình cả một kho chuyện chứa những nội dụng khiến người khác phải cười. Có một cha giáo nọ, giờ dạy của ngài lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Không biết cha đã sưu tầm từ bao giờ mà lúc nào cha cũng có thể kể chuyện cười. Chính những câu chuyện cười của cha làm cho giờ học bớt phần căng thẳng và bài học dễ nhớ. Khi nào các thầy hơi “nhức đầu” một tí thì cha lại cho một “liều thuốc” để bớt “hại não”. Có lẽ Chúa ban cho cha ơn gọi kể chuyện để giúp cho người khác nếm cảm được niềm vui ở đời này hay chăng? Cha căn dặn các học trò của mình là không nên bắt chước cha. Vì có khi cười nhiều quá ảnh hưởng đến phần rỗi linh hồn. Vì chuyện cười thì có “quyển thượng” và “quyển hạ”. Mà trớ trêu thay, phần lớn người ta thích “quyển hạ” hơn mới khổ. “Quyển thượng” khiến cho người ta cười thì ít lắm! Ngài nói vậy để cảnh tỉnh học trò của mình khỏi rơi vào vòng xoáy của cám dỗ “phần hạ”. Các câu chuyện của cha hầu hết là nằm ở “quyển thượng”.
[​IMG] ​
Tâm hồn con người dĩ nhiên không phải lúc nào cũng có thể cười được. Cuộc sống đâu phải toàn là màu hồng. Nhưng nếu chỉ nhìn đời với con mắt bi quan và yếm thế thì đời quả là đáng “nôn mửa”. Chính nụ cười đem lại sức mạnh cho con người hướng đến tương lai. Muốn cười được ngay cả trong những hoàn cảnh gian nan và trái ngang, cần phải có một trái tim đầy tình yêu và đức tin vững vàng…

Không có nhận xét nào: