Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Gọi là muốn lại gần

Khi tôi gởi một cánh thư đi là tôi gởi lòng tôi ở đó. Gởi nỗi lòng mình đi thì bao giờ cũng có nhớ nhung và hồi hộp, âu lo. Tôi không viết thư cho gió vì gió không biết tiếng người. Tôi chẳng gửi thư cho mây vì mây không bao giờ đáp trả. Tôi chỉ gởi cho người vì chỉ người mới có thể đáp trả lại nỗi lòng tôi. Nhưng người có tự do nên tôi cũng có thể bị chối từ. Tiếng gọi của tôi có thể vang lên khô khan rồi hiu hắt trở về với cõi lòng tôi.
Khi Chúa cất tiếng gọi thì Chúa cũng thầm nuôi hy vọng được đáp trả. Chắc hẳn Ngài cũng ngậm ngùi khi bị khước từ. Bởi trong tiếng gọi là thầm cho đi tình yêu. Bởi trong tiếng gọi là thầm nói lên nỗi nhớ thương.
Gọi là dấu hiệu đang còn xa nhau. Gọi là muốn lại gần.
Trong cuộc đời, tôi có hai tiếng gọi, hai mẫu người lý tưởng để theo. Tiếng gọi thứ nhất là Chúa Kitô. Tiếng gọi thứ hai là chính tôi. Tôi có thể tạo nên cho tôi những tiếng gọi, những giấc mơ và tôi có thể theo đuổi để trở thành mẫu người như tiếng gọi tôi ước mong. Tôi cũng có thể trở thành mẫu người như Chúa Kitô mong muốn. Cái khác nhau là một đàng tôi sống ước mơ của tôi, một đàng tôi phải sống tiếng gọi của Chúa. "Thức ăn của Ta là làm theo ý Ðấng đã sai Ta và hoàn tất công việc của Ngài" (Yn. 4:34). Chúa Kitô đã sống trọn vẹn tiếng gọi của Cha Ngài.
Tôi có thể lầm lẫn thì tiếng gọi của tôi cũng có thể không trung thực. Nếu tiếng gọi của tôi không trung thực thì lo âu để trở nên mẫu người như tôi mơ ước sẽ là dại dột.
Nếu tôi tin rằng Chúa không thể sai lầm thì tôi cũng phải xác tín rằng tiếng gọi của Ngài phải tuyệt hảo. Không thể có hai sự tuyệt hảo. Như thế, khi tôi chối từ sự tuyệt hảo là tôi nhận sự bất hảo.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Đêm tối là chuẩn bị cho ngày mai tươi sáng


Tôi hiểu chung thủy là bản chất của tình yêu và tôi phải đi đúng con đường của mình....
Tuy nhiên, trung thành không phải là họ không nhìn thấy những lối rẽ ngang. Kẻ theo tiếng gọi thập giá không có nghĩa là họ không nghe thấy tiếng gọi dịu dàng ấm áp bên bờ trúc, nương dâu. Kẻ nhìn thập giá như trời cao để vươn tới không có nghĩa là họ không nhìn thấy sự tinh tế của cái đẹp khiến đêm về mà lòng cứ nôn nao. Kẻ kết ước với Chúa rằng chỉ yêu mình Người không có nghĩa là không nghe thấy những ngôn ngữ ngọt ngào rót vào trái tim. Trong hôn nhân, có mấy ai tuyệt đối thương yêu người bạn đời của mình đến nỗi không bao giờ có một ngăn nhỏ nghĩ đến những hình bóng lãng mạn khác ?
Những lối rẽ ngang bên đường có làm tôi âu lo. Đôi lúc tình cảm dịu dàng có làm tôi thổn thức bâng khuâng, nhưng không vì thế mà lý tưởng tôi hao mòn. Những lối rẽ, tình cảm dịu dàng ấy càng làm tăng khả năng khả năng tự do chọn lựa của người trong cuộc. Chính vì có những phân vân mà đòi hỏi tôi phải dứt khoát. Nếu không có những lối rẽ, những ánh nhìn khiến trái tim đập lỗi nhịp thì tình yêu trong hôn nhân cũng như lý tưởng của người tu sĩ không còn cố gắng nữa, vì đâu còn gì để mà lựa chọn. Có những dằn vặt trong lương tâm để tôi biết điều chỉnh lại hướng đi của mình. Có những đêm dài thao thức nhớ thương để tôi hiểu mình đã đi quá xa trong tình yêu. Có những giọt nước mắt để tôi thấu cảm được rằng con người không thể sống mà không có tình yêu. Nhưng cũng nhờ đó mà trong tôi tự nhắc bảo mình rằng tình yêu cũng là con đường của thập giá với những hy sinh liên lỉ. Có những ngã rẽ nên tôi phải dừng lại hỏi lòng mình, phải cố gắng gìn giữ con đường của tôi và quên đi bản thân mình để trân trọng con đường của người ta. Tôi luôn phải phấn đấu để trung thành. Lúc tôi hỏi lại lòng, lúc tôi phấn đấu hy sinh là lúc tình yêu tôi dành cho người yêu, dành cho lý tưởng càng sâu đậm hơn.
Chẳng ai muốn rẽ sang một lối mòn nếu con đường đang đi đẹp ngát hoa. Nhưng vì tội lỗi, vì chưa hoàn hảo nên đường đi còn có gai. Đây chính là lý do không trung thành. Nếu người tu sĩ bước trên đường lý tưởng toàn những ngọt ngào thì làm gì có lỗi lời thề ? Có những đêm tối để ta biết mình cần ánh sáng biết bao. Biết mình là tội nhân để ta luôn cần đến ơn tha thứ của Chúa. Con đường nào cũng có những rào cản thập giá, nhưng đó cũng là con đường mà Chúa đã đi và mời gọi tôi theo Người. Muốn tiến tới vinh quang phải mạnh mẽ chấp nhận đau khổ. Càng đón nhận thập giá, đường đi càng thêm giá trị. Có đêm rồi mới có ngày. Quy luật của cuộc sống là thế. Cuộc đời như những vòng quay luân chuyển luôn hoạt động không ngừng. Có khi đêm tối lại là sự chuẩn bị cho ngày mai tươi sáng hơn. Sự lỗi lời thề có thể lại là cơ hội để ta nhìn lại và điều chỉnh lối bước của mình. Có bước chân vào lối rẽ ta mới thấy đường đi của mình cần phải chỉnh đốn lại cho phù hợp với thánh ý Chúa.

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

Có hiếu khi ở trong tù

Kết quả hình ảnh cho prisoner
Một nam thanh niên bị ngồi tù Nhận đc thư của bà mẹ viết với nội dung
– Con trai yêu quí của mẹ, từ ngày con đi mẹ thấy trống trải vô cùng, nhà mình Không còn sức lao động chính, nhà cửa bừa bộn, mấy sào ruộng nhà mình bỏ hoang vì không có người cầy. Mảnh vườn cũng chảng được cuốc bẵm, mẹ Mong con thành tâm cải tạo, sớm về để giúp mẹ….
Cậu con trai đọc thư xong, thương mẹ lắm và viết trả lời
– Mẹ kính yêu, chỗ mấy sào ruộng nhà mình mẹ đừng có mà làm gi, Chẳng may lại lộ ra mấy cái xác con giết người chôn ở đó. Nếu họ biết là con lại thêm tội đó, Còn mảnh vườn thì cũng đừng động vào, dưới đấy con giấu mấy bánh ma túy chưa kịp bán.
Mấy tháng sau trong tù người thanh niên lại nhận được thư của mẹ mình
– con yêu! Mẹ đã nhận đc thư của con lần trước, Sau đó có 2 xe ô tô công an về nhà mình, các ông ấy chia làm hai tổ. Một tổ ra đồng cầy tung mấy sào ruộng, còn một tổ ra vườn cuốc lật hết đất ở đó lên, Không tìm thấy gì, các ông lẩm bẩm chửi thề xong về rồi con ạ
Thằng con mừng thầm viết trả lời cho mẹ
– Mẹ ơi, con chỉ có thể giúp mẹ được ngần đó thôi, chỗ mấy sào ruộng mẹ tự làm nốt nhé, còn vườn thì thế là tạm được rồi….
P/s: Thế là mùa vụ năm ấy bà mẹ không cần phải cày cấy gì mà đất vẫn tơi xốp, tất cả là nhờ các chú công an bị lừa mà không biết.
Lời bình: cuộc đời đừng bao giờ dễ tin vào lời khai của người khác. Không ai tự dưng khai tội cho mình nếu họ không có cái lợi to hơn. Cẩn thận với người đưa chuyện bạn nhé!

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Chiếc giày chân phải


Kết quả hình ảnh cho chiếc giày phải

Đàn ông nếu biết kỹ quá khứ của vợ thì đau đầu lắm. Còn đàn bà, nếu biết hơi nhiều về hiện tại của chồng thì đau tim lắm. Nhưng đã trót biết rồi mà ứng xử được như bà vợ này thì thật là cao thủ.
18 giờ, chị gọi điện thoại đến Công ty của chồng, chú bảo vệ nói rằng: “sếp vừa đi ăn tối ở nhà hàng”. Linh tính cho chị biết đó là… nhà nàng chứ không phải nhà hàng.
20 giờ, sau khi cho các con ăn xong, chị phi xe máy đến nhà nàng. Ô tô của sếp đang đỗ ở trong sân. Linh tính đã không đánh lừa chị. Có cái gì đó rất nóng, trào lên nơi cuống họng nhưng chị đã kịp nuốt khan nó vào. Không ấn chuông, không đập cửa, cũng không gào thét, chị cởi chiếc giày bên chân phải của mình, treo vào phía trong cánh cửa sắt rồi phóng xe về nhà, giúp các con ôn bài.
Gần 23 giờ đêm, sếp mới chỉnh trang lại y phục, chải lại mái tóc bị vò rối bù và ra về. Nàng ra mở cửa cho sếp trong bộ váy áo ngủ mỏng tanh đầy quyến rũ và giật mình khi nhìn thấy một chiếc giày treo trong khung cửa sắt.
“Sao lại có một chiếc giày ở đây? Một chiếc giày chân phải rất đẹp”.
“Thôi, em vào ngủ đi. Cho dù đẹp nhưng một chiếc giày thì cũng chẳng làm được việc gì”.
Trên đường về nhà, sếp cứ nghĩ vẩn vơ về chiếc giày đó, nó là của ai? Và vì sao nó được treo ở đó? Sếp đánh ô tô vào gara, mở cổng rất khẽ. Có một chiếc giày chân trái của phụ nữ đặt ngay ngắn trên bậc cửa. Sếp đứng như trời trồng trước chiếc giày đó chừng 2 phút. Sau đó sếp vào phòng ngủ riêng, vì sếp không muốn nghe vợ cằn nhằn, khóc lóc. Nhưng sếp trằn trọc mãi không sao ngủ được. Sẽ có giông bão trong căn nhà này. Sẽ là nước mắt, tiếng la hét và một lá đơn ly hôn. Rồi hai đứa nhỏ sẽ chán đời, đi bụi và hư hỏng… Đó là tấn bi kịch đáng sợ nhất.
Nhưng sáng hôm sau mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Bát phở gầu bò thơm ngào ngạt vẫn được để ngay ngắn trên bàn cùng với mấy dòng chữ của vợ: “Em đưa các con đến trường. Anh ăn sáng rồi đi làm. Hôm nay trời u ám nên anh phải mặc bộ vét màu sáng, thắt cà vạt màu sáng. Em đã là kỹ, treo trong tủ”.
Sếp gọi điện thoại cho nàng: “Chiếc giày chân phải kia là của vợ anh. Đừng vứt đi nhé”. Giọng nàng đầu dây bên kia nghe hơi hoảng hốt: “Trời ạ! Anh muốn làm sao thì làm chứ nếu chị ấy đến nhà em làm ầm lên thì em không sống nổi đâu. Chiều anh tạt qua lấy chiếc giày về”.
Nhiều ngày trôi qua mà giông bão không nổi lên, thái độ của vợ sếp vẫn bình thản, song một chiếc giày trên bậc cửa cứ nhắc sếp về sự lẻ loi và tội lỗi của một người. Rồi một buổi chiều, sếp lấy hết can đảm, lôi chiếc giày bên phải trong cốp xe ra, đặt ngay ngắn bên chiếc giày chân trái của vợ. Chị đi làm về, đứng sững trước bậc cửa mấy giây rồi chạy vào, ôm ghì lấy chồng mà thì thầm: “Ôi! Chiếc giày chân phải của em!” Sếp cũng thì thầm bên tai vợ: “Anh xin lỗi em – nghìn lần xin lỗi!”

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Ta chỉ thật là ta khi nào ta tắm


Kết quả hình ảnh cho baby vector
Trong tác phẩm “Cốt tủy của đạo Phật”, thiền sư Suzuki đã viết một câu thật chí lý: “Ta chỉ thật là ta khi nào ta tắm”. Câu nói đơn sơ, giản dị nhưng thật thâm thúy. Khi ta tắm, mũ cao áo rộng cũng phải cởi bỏ, phấn son trang điểm giả tạo cũng trôi mất hết, chức cao danh vọng cũng không gắn liền với thân xác ta, quyền uy sức mạnh lúc đó cũng không dám phô bày cho ai. Lúc đó ta mới nhận ra ta thật là ta, một người tầm thường trơ trụi như bất cứ một người trần trụi tầm thường nào khác trên cõi đời ô trọc phù du này.
Thế nhưng, trong xã hội hôm nay, có mấy người đã nhận ra được chân lý sâu sắc mà thâm thúy của thiền sư Suzuki đã trình bày trên đây. Chung quanh ta biết bao người đã nhờ may mắn có được mũ cao áo rộng lại cứ luôn tâm niệm rằng chúng sẽ vĩnh viễn theo họ suốt đời. Biết bao người tưởng rằng phấn son trang điểm không bao giờ trôi theo tuổi tác và mãi mãi che lấp những khuyết điểm của họ. Nhưng cuộc đời đâu có mãi mãi như họ tưởng! cuộc sống có bao giờ mãi mãi chiều theo ai.
Khiêm tốn để nhận rõ mình và trong thinh lặng để trở về với chính mình, thay đổi chính mình, ta mới cách mạng được bản thân ta. Ta mới không phung phí quãng đời đã qua của ta. Chỉ trong thinh lặng và tự hạ, ta mới khám phá được thân phận hư vô, tầm thường, trơ trụi của ta. Không có gì để tự hào mà có vạn lý do để tự hạ. Ta không thể nào thay đổi được chính mình nếu không biết sống khiêm tốn.