Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Làm sao để tĩnh lặng?

Chào các bạn,
Chúng ta đều biết tĩnh lặng là tốt, và công lực càng cao ta càng tĩnh lặng. Điều khó khăn nhất vẫn là “làm sao?”, trong khi chúng ta tranh đấu mỗi ngày, nổi nóng mối ngày, lo sợ mỗi ngày, thất vọng mỗi ngày, bực bội mỗi ngày, tuyệt vọng mỗi ngày?
Đây là tiến trình tu tập cả đời, cho nên nếu bạn thấy bạn chưa thành thì cũng đừng tuyệt vong, vì thực sự là mọi người chỉ có “tiến” chứ không có “thành”, vì chúng ta chỉ có thể tiến đến hoàn toàn chứ không bao giờ thành hoàn toàn.
1. Việc đầu tiên phải biết là tĩnh lặng là gì. Một buổi chiều nắng ấm, ngồi một mình trên sân thượng hay bên bờ sông, nhìn trời rộng mây cao, vui cùng gió mát, không nghĩ đến điều gì cả, không lo lắng điều gì cả, chỉ tận hưởng cảm giác thanh bình an lạc. Đó là tĩnh lặng.
Tất cả trạng thái khác với tĩnh lặng như thế là xung động – giận dữ, bực mình, bức xúc, buồn bã, lo sợ, căng thẳng, lạc lõng, tuyệt vọng, đau đớn, cô đơn, chán đời, ghen ghét, ganh tị… Và nếu bạn nói, “Ối giời ơi, em có tất cả những thứ này mỗi ngày”, thì… chào mừng các bạn đã nhận ra chúng ta cùng hội cùng thuyền.
Có một điều là, nhiều người tưởng rằng có tất cả những xung động này là chuyện đương nhiên của con người, chẳng có gì đáng ngạc nhiên hay đáng quan tâm cả. Cứ như là người chưa bao giờ đến trường nghĩ rằng con người sinh ra tự nhiên là chỉ ăn, ngủ và chăn bò, chứ chẳng lý do gì mà phải quan tâm đến học đọc, viết, toán, địa lý, lịch sử… hay người nghĩ rằng con người sinh ra thì tự nhiên đã là như thế cần gì phải tập thể thao, thể dục, võ nghệ!
Đây là vấn đề rất lớn với cái tâm của ta, bởi vì quá nhiều người trong thời đại này vẫn nghĩ rằng cứ trời sinh sao để vậy là thượng sách. Các bạn, cũng như cái thân trời sinh ra, cái tâm trời sinh ra cũng cần phải học tập tu luyện để phát triển đến mức độ khỏe mạnh hơn, thuần thục hơn. Luyện tâm không phải là xa xỉ phẩm, mà là điều bắt buộc, thường xuyên, vĩnh viễn, nếu bạn mong là bạn tiến được bước nào xa hơn là bước “tự nhiên trời sinh tôi vậy” và đời sống bạn năng động hơn, nghĩa lý hơn.
Mình vừa cố tình dùng từ “năng động” bên trên. Chúng ta nói luyện tâm là để tâm tĩnh lặng, trong khi lại nói năng động hơn, nghĩa là sao?
Cái tâm xung động nhẩy choi choi làm đủ mọi thứ lung tung hàng ngày mà ta tưởng là “năng động”, thực ra chỉ là “bị động”, bị điều khiển bởi những xung động của mình.
Tâm tĩnh lặng làm đủ mọi thứ–nói năng dịu dàng, mỉm cười nhẹ nhàng, chiến đấu dũng mãnh—để làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn và thế giới hòa bình hơn, bằng “chủ động” điều khiển tư duy và hành động của mình, chứ không bị cái gì điểu khiển cả. Cho nên tâm tĩnh lặng mới thực sự là “năng động”.
2. Khi chúng ta đã biết tâm tĩnh lặng là gì, và xung động là gì, thì bước kế tiếp đương nhiên là làm giảm những lúc xung động và tăng những lúc tĩnh lặng. Và đây là luyện tập cả đời.
Mọi trường phái tâm linh, với kinh sách vạn quyển, mô tả hàng nghìn pháp môn luyện tập, cũng chỉ là để giúp người ta bỏ tâm xung động và giữ tâm tĩnh lặng. Tất cả các pháp môn đó, tựu trung cũng chỉ nhắm vào một điểm “bỏ cái tôi đi”. Cái tôi của chúng ta càng nhỏ, ta càng tĩnh lặng. Bỏ được cái tôi hoàn toàn thì ta tĩnh lặng hoàn toàn.
Thiền, cầu nguyện, tụng kinh, ăn chay, hãm mình… tất cả cũng là để chúng ta tập bỏ cái tôi. Tức là khiêm tốn.
Khiêm tốn là nhìn mọi người cũng như mình. Mình không khác ai cả, không ai khác mình cả. Mọi người đều như nhau. Đây gọi là tâm bình đẳng hay tâm không phân biệt của nhà Phật.
Nhìn tất cả mọi người đều như nhau đòi hỏi một tư duy rất bình đẳng, nhìn mọi người đều như mình: Hắn nói dối, mình cũng đã nói dối. Hắn kiêu căng, mình cũng có lúc kiêu căng. Hắn dốt, mình cũng dốt nhiều khi, trong nhiều điều. Hắn tham lam, mình cũng đã có lúc tham lam… Nói chung là thấy ai có bất kì khuyết điểm gì, mình cũng tự nhắc “tội nghiệp, mọi người chúng ta đều yếu kém như thế.”
Nếu ai làm gì ta thấy là yếu kém, ta cũng tự bảo “tội nghiệp, mọi người chúng ta đều yếu kém như thế”, và nếu ta làm thế thường trực, bất kì mỗi khi thấy hoặc nghĩ về điều gì yếu kém ai đó làm, thì chẳng bao lâu ta sẽ có được tâm bình đẳng vững chải–thương yêu tất cả mọi người với những yếu kém và đau khổ rất con người, như chính ta. Nhân ái là hệ quả tất yếu của tâm bình đẳng.
Khi thiền quán hàng ngày, quán về “tội nghiệp, mọi người chúng ta đều yếu kém”. Khi cầu nguyện hàng ngày, hãy nghĩ về “tội nghiệp, mọi người chúng con đều yếu kém” và “xin Chúa/Phật thương xót mỗi người chúng con”. Đây là các cách tốt để tu tập tâm bình đẳng này.
Khi đã có tâm bình đằng thì tự nhiên nói chuyện với ai mình cũng có nhiều từ tâm đối với họ, và mỗi khi họ làm gì đó yếu kém, kể cả xúc phạm mình, mình cũng thông cảm, tội nghiệp cho những yếu kém của họ như chính mình. Không hề còn chuyện phân biệt tốt xấu, già trẻ, chủng tộc, màu da, lớn bé.
Nhưng…
Trong liên hệ con người luôn luôn có hai yếu tố song hành: tình cảm và hành xử thực tế. Ví du: Tình cảm thì mẹ luôn thương con, dù lúc nào, dù ở đâu, dù con làm gì, luôn luôn. Nhưng hành xử thì tùy theo lúc: Khi nói ngọt, khi khen thưởng, khi xử phạt…
Tất cả các hành xử khác nhau này đều đặt trên căn bản mẹ thương con.
Tình cảm là từ tâm ta đã có với tất cả mọi người khi ta có tâm bình đẳng.
Nhưng hành xử thì tùy trường hợp, người đang ăn trộm nhà mình, hay người đang mang quà tặng mình, có thể đòi hỏi các phản ứng khác nhau–như là, bảo vệ an ninh cho gia đình con cái mình… Hành xử thế nào là do nhu cầu đòi hỏi mình lúc đó, nhưng căn bản là, tận trong lòng, mình vẫn luôn luôn “tội nghiệp, hắn cũng có những yếu kém con người như mình.”
Một người thẩm phán phải ra những bản án khác nhau cho những tù nhân khác nhau, nhưng có thể là tận trong lòng ông ta vẫn “tội nghiệp, chúng hắn cũng có những yếu kém con người, như mình.”
Nếu mình có tâm bình đẳng, từ tâm thật sự với tất cả mọi người như nhau, thì dù thực tế đòi hỏi mình hành xử cách nào, chắc chắn là các hành xử đó của mình sẽ có từ tâm náu mình trong đó.
Khiêm tốn và nhân ái (hay từ tâm) đưa đến tâm tĩnh lặng. Càng khiêm tốn và nhân ái ta càng tĩnh lặng. Và vì chúng ta phải nói chuyện hàng ngày, nói thành thật hỗ trợ khiêm tốn và nhân ái. Ta không thể khiêm tốn và nhân ái nếu nói không thành thật mỗi ngày. Bộ ba khiêm tốn, nhân ái, thành thật tạo tâm tĩnh lặng.
Luyện tập khiêm tốn, nhân ái, thành thật mỗi ngày là thể dục hàng ngày cho tâm tĩnh lặng.
Vấn đề luyện tập không phải là khó. Mà là (1) bắt đầu và (2) không bao giờ ngừng.
Chúc các bạn một ngày tĩnh lặng

Không có nhận xét nào: