Trên đồi Golgotha xưa có ba cây thập giá, nhưng chỉ có một cây trở thành Thánh giá, thành giá chuộc tội, thành cây quả phúc cứu độ.
Thập giá Đức Giêsu là những đau khổ có tính cứu rỗi. Vì Người là Con Thiên Chúa vô tội đã gánh tội thay cho loài người, đã tự hiến mình để đền bù tội lỗi và chịu chết để hóa giải án phạt cho nhân loại.
Thập giá Đức Giêsu là sự tôn vinh Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót, “đã yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16)
Cùng là một dấu nhưng thập giá khác Thánh giá. Sự đày đọa của thập giá khác giá trị cứu rỗi của Thánh giá, như sự khác biệt giữa thánh nhân và phàm nhân là một sự nhận chân, một xác tín, một thái độ sống, một sự lựa chọn, nhiều khi chỉ là sự “giác ngộ” như anh trộm lành hoặc sự cố chấp trong tội như người “trộm dữ” cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu trên thập giá xưa.
Chất Thánh ấy là Tình yêu hiến mình, là chấp nhận chịu đau khổ vì đức tin, chịu chết để nên giống với Đức Kitô, với hy vọng sẽ được vinh quang như Người.
Thánh giá là tiếng nói yêu thương muôn đời của Thiên Chúa.
Đó là lý do sau hơn 2000 năm và cho đến tận thế, dù Đức Giêsu đã phục sinh lên trời vinh hiển, Hội thánh luôn giữ biểu tượng Thánh giá, vì Thánh giá là tiếng nói yêu thương muôn đời của Thiên Chúa. Và Thánh giá như lời mời gọi đến muôn đời sự đáp trả như thánh Phaolô, đã chẳng muốn biết điều gì, chẳng hãnh diện về điều gì, chẳng ngoài thập giá Đức Kitô (Gl 6,14). Ngài còn muốn mang những thương tích còn thiếu nơi cuộc thương khó của Đức Kitô vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh. (Cl 1,24)
Vì thế đời sống Kitô hữu không thể thiếu vắng bóng Thánh giá. Vẫn biết vác được thập giá mình theo Chúa là điều quá sức, cần nhờ ơn Chúa luôn, nhưng không vì thế mà thập giá mất đi sự nặng nề. Biết bao người tín hữu đã vì sợ khổ, ngại khó mà từ khước. Do vậy, Đức Giêsu trong Hội thánh vẫn còn phải chịu những đau khổ, vẫn còn phải chịu đóng đinh.
Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô hôm nay, ta thấy vinh quang hay tủi nhục?, hãnh diện hay hổ thẹn?, cứu thoát hay đày đọa?, để chọn lựa sự nên thánh hay mãi mãi là phàm nhân?, trở nên giống Chúa hoặc không bao giờ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét