Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Cây viết chì của Chúa

Đời chủng sinh vô cùng ý vị
Tựa viết chì trong tay hoạ sĩ Giêsu.

Xin mở đầu bài viết về đời chủng sinh bằngcâu chuyện cây bút chì của văn hào Paulo Coelho của đất nước Brazil:
“Có một cậu bé kia đang xem người bà yêu quý của mình viết thư. Khi bà ngừng tay, cậu bé hỏi: ‘Bà ơi, có phải bà đang viết về những gì chúng ta đã làm không? Có phải là câu chuyện về cuộc đời cháu không?’
Âu yếm nhìn cháu, bà đáp: ‘Quả thực bà đang viết về cháu, nhưng điều quan trọng hơn những dòng chữ bà đang viết đây chính là cây bút chì mà bà đang cầm ở tay. Bà mong rằng cháu sẽ trở nên giống như cây bút chì này khi cháu lớn lên’.
Vì tò mò, cậu bé nhìn chằm chằm vào cây bút chì và thắc mắc: “Bà ơi! Cây bút chì này có gì đặc biệt đâu. Cháu thấy nó vẫn giống mọi cây bút chì khác mà”.
Bà cụ đáp: “Nó tuỳ thuộc vào cách cháu nhìn nhận sự việc. Thật ra, nó có năm đặc tính mà cháu cần lưu tâm. Và nếu cháu cũng như vậy cháu sẽ là người hạnh phúc trong đời”.Thứ nhất, cây bút chì luôn vâng nghe sự điều khiển của người hoạ sĩ. Thứ hai, cây bút chì cần được mài dũa thì mới có thể sắc bén được. Thứ ba, cây bút chì luôn sẵn sàng cho người hoạ sĩ tẩy xoá khi nó gây ra những nét vẽ nguệch ngoạc hay dơ bẩn. Thứ tư, chất liệu đáng quý của cây bút chì là thõi than ở bên trong. Cuối cùng, bút chì luôn để lại một dấu tích nào đó khi ta viết lên giấy”[1].
Thiết tưởng, câu chuyện cây bút chì trên đây với những đặc tính cao quý của nó có thể trở thành đề tài cho những ai muốn suy tư về cuộc đời. Với tôi, câu chuyện cây bút chì đã trở nên một biểu tượnggần gũi để tôi đi tìm một lý tưởng, một ơn gọi vốn rất huyền nhiệm so với cặp mắt lý trí của mình đó là ơn gọi làm chủng sinh của Chúa.
1. Cây bút chì và bài học vâng phục: Như cây bút chì có thể vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp, làm mê mẫn lòng người là nhờ nó được nâng niu bởi đôi tay tài hoa của người hoạ sĩ, người chủng sinh cũng vậy, để trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước trong tương lai,họ cần được sự hướng dẫn, dạy dỗ của Chúa Giêsu mục tử ngang qua những đấng trung gian là Đức Giám Mục giáo phận, ban đào tạo của đại chủng viện, quý Cha và cộng đoàn dân Chúa cách này hay cách khác. Cácchủng sinh phải luôn vâng theo thánh ý của Chúa, luôn sẵn sàng để đáp lại lời mời gọi của Ngài. Vì vậy, họ luôn ý thức con đường mình đang vươn tới là đáp lại lời mời gọi của Chúa chứ không phải thuần tuý là một nghề nghiệp để rồi làm công ăn lương như những công chức của nhà nước và xã hội. Lời đáp trả của chủng sinh luôn chất chứa tâm tình phó thác vào Thiên Chúa quan phòng như “Abraham đã ra đi, vì hy vọng đến đất hứa. Maisen đã ra đi, vì hy vọng cứu dân Chúa khỏi nô lệ. Chúa Giêsu đã ra đi từ trời xuống đất, vì hy vọng cứu nhân loại” (ĐHV 4). Chủng sinh bước theo Chúa để được sai đi làm chứng nhân cho niềm vui của Tin mừng dẫu biết rằng Tin mừng đó được đựng trong những chiếc “bình sành” dễ vỡ nhưng đã có Chúa Giêsu là Đấng quan phòng để chiếc bình sành đó mãi vẫn nguyên tuyền.
Vâng phục có lẽ là nhân đức dễ diễn tả nhất nhưng để sống nó thì thật khó vô cùng. Bởi vậy có người nói rằng, chính trong sự vâng phục chứ không phải độc thân, mà linh mục ngày nay đi ngược lại trào lưu văn hoá nhất. Bởi lẽ, chúng ta đang sống trong một thế giới, trong đó cái tôi đang lên ngôi, đang được thần thánh hoá. Họ biện luận rằng, chỉ có hạnh phúc thực sự khi được phép làm bất cứ việc gì, bất cứ lúc nào, bất cứ với ai và cho ai, bất cứ kiểu cách nào… bất chấp mọi luật lệ và những chế tài nào khác. Họ còn cho rằng, trên thực tế, “không có quyền bính nào cao hơn” ước muốn, nhu cầu và ý thích của mình. Người Ki-tô hữu nói chúng và chủng sinh nói riêng cũng bị thách thức về điều đó, tuy nhiên, họ sẽ dễ dàng vượt qua nếu biết neo đậu đời mình theo thánh ý Chúa và đi trong chính lộ của Người (X. Tv 143, 10). Nếu mục đích của chủng sinh là nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô thì sự vâng phục là con đường dẫn tới đó. Thánh Ignhaxio nói: “Sự vâng phục là của lễ toàn thiêu mà trong đó toàn thể con người, không giữ lại một chút gì, được hiến dâng trong ngọn lửa bác ái cho tạo hoá và Thiên Chúa…”[2].
2. Cây bút chì và bài học vượt khó:Thứ hai, để những đường chấm phá luôn được sắc nét, cây bút chì cần luôn được gọt giũa bằng một dụng cụ nào đó. Dụng cụ mài giũa đó có thể làm cho cây bút chì phải đau nhưng rốt cuộc, nó sẽ sắc bén hơn.Người chủng sinh cũng vậy, để nên đồng hình đồng dạng với Chúa, họ phải kinh qua muôn khó khăn: khó khăn trong học tập và tu luyện, khó khăn trong việc từ bỏ bản thân, ma quỷ và thế gian.
Thật vậy, chặng đường dài của quá trình học tập và tu luyện luôn là một thách đố đối với chủng sinh. Phần đa trong số họ là những người đã học xong bậc trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng hay đại học. Thậm chí có những giáo phận chỉ tuyển chọn những ứng sinh có bằng cao đẳng trở lên… Quá trình đào tạo tại tiền chủng viện và đại chủng viện kéo dài tới 9 đến 10 năm. Một số trong số họ được tuyển lựa để đi du học có thể kéo dài tới 15 năm… Quả thực, đối với nhiều người, đó là một gánh nặng, một điều dường như không thể, đó là chưa kể những người cho rằng, chọn lựa đó là một hành động điên rồ. Thế mà ta vẫn thấy bao thế hệ linh mục tu sĩ vẫn đề huề, lớp lớp đàn em vẫn cứ hớn hở theo sau. Họ sẵn sàng vượt khó vì sự thúc bách của Tin mừng như Thánh Phaolo Tông Đồ nói: “Tình yêuĐức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14). Dù chặng đường dài của quá trình tu luyện có lúc đối với họ thực là gánh nặng nhưng lại trở nên gánh nặng dễ thương. Họ được nhào nặn để trở nên những “khí cụ” của Chúa, tựa như người thợ gốm làm ra cái nồi đất. Dù rằng, nồi đất nấu thiệt là lâu, mất thời gian hơn nhiều so với các nồi cơm điện, các máy siêu tốc, nhưng cơm nồi đất thì luôn đánh bại cơm của nồi cơm điện. Chủng sinh được được đào luyện trong trường đại chủng viện tựa như các thực phẩm cá, thịt… được nấu, được hầm, được thêm gia vị, để thật chín, hàng giờ, rồi mới lấy ra ăn. Và thực phẩm từ nồi đất luôn đánh bại cái món từ lò vi ba, siêu tốc. Chủng sinh luôn cần biết kiên nhẫn và vững tâm theo khuôn mẫu đích thực là Chúa Ki-tô, Đấng đã kiên nhẫn trong mái nhà Nazaret suốt ba mươi năm để chuẩn bị cho ba năm rao giảng. Nếu biết được như vậy, thời gian chủng viện quả là một ân ban.
Trong đời tu, người chủng sinh luôn phải vượt qua những chướng ngại của xác thịt, thế gian và ma quỷ để thực hiện ba lời khuyên của Phúc Âm là khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Khó nghèo làm sao thế giới đang đề cao chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân? Khiết tịnh làm sao khi “tình trạng thực tại gia đình đang bị thoái hoá, ý nghĩa đích thực của tính dục con người bị lu mờ hoặc bóp méo”[3]? Vâng phục thế nào khi “chủ nghĩa chủ thể của ngôi vị vẫn được bảo vệ một cách khốc liệt, chủ nghĩa này có khuynh hướng vây kín ngôi vị trong cá nhân chủ nghĩa”[4].
Chưa hết, đau khổ còn đến bởi sức mạnh hung hãn của Sa-tan. Do những mưu thâm chước độc của Thần dữ, người chủng sinh dễ rơi vào những chiến thuật đầy gian manh của chúng, chẳng hạn, khi một chủng sinh đang quyết liệt diệt trừ tội lỗi và đang tiến lên mãi trên đường phụng sự Chúa, thì ma quỷ lại “gây cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây băn khoan lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiến tới”[5].
Có khi, khi người chủng sinh đang miệt mài theo Chúa nhưng phía trước họlại là một áng mây u ám, điều mà các thánh thường gọi là ‘đêm tối đức tin’ – cuộc thử thách xảy ra trong chính nội tâm mình. Họ như kẻ tin bổng rơi vào tình trạng hoài nghi, những giây phút mà tất cả những gì mình tin tưởng vững vàng bổng lung lay như muốn sụp đổ, mất điểm tựa và nhìn đâu cũng chỉ còn là vực sâu hun gút của hư vô. Chỉ một trường hợp sau cũng đủ cho chúng ta thấy điều đó: Thánh nữ Tê-rê-xa ở Lisieux, một vị thánh thật dễ thương và xem ra hết sức hồn nhiên như không hề có trở ngại gì trong đời sống đức tin. Một cuộc đời, từ thuở thiếu thời đã được tắm gội trong niềm tin của Giáo hội; đức tin thấm nhuần đến từng chi tiết cuộc sống. Thế giới thiêng liêng như đã trở thành thành phần của đời thường, thân thiết đến độ khó có thể dứt ra được. Niềm tin tôn giáo đối với chị là điều rất tự nhiên của cuộc sống hằng ngày, cũng giống như mối liên hệ với những thực tại thân quen khác, tưởng chừng không khó khăn nào có thể lay chuyển niềm tin sắt son của chị. Nào ngờ, chị đã để lại những dòng tâm sự làm chấn động lòng tín hữu khi ngài viết:
“Tâm trí con cứ bị ám ảnh bởi những ý tưởng mà có lẽ chỉ những kẻ duy vật tồi tệ nhất mới nghỉ tới. Bao nhiêu lý luận chống lại đức tin dồn dập tấn công tâm trí, cảm thức đức tin như tiêu tan, chết điếng, và có cảm giác mình hoá thành thân tội lỗi”[6].
Người tín hữu hôm nay hay và chủng sinh linh mục nói riêng có khi cũng phải đối mặt với thách đố như vậy. Nhiều lúc hành trình bước đường theo Chúa như phủ đầy mây đen, tương lai phía trước như một chân trời xa xăm diệu vợi khiến cho bản thân ra chán nãn, thất vọng hay thậm chí có ý tưởng thoái lui.
Tất cả những thách đố trên như những “viên đá làm cho vấp” mà người chủng sinh phải băng mình lên để vượt qua, hầu chiếm đoạt được Đấng là nguồn của Chân Lý là Đức Giêsu Ki-tô. Như vậy, đau khổ và thử thách luôn xuất hiện như là một phần làm nên sự hoàn bị của chủng sinh nhưng nếu biết ‘bỏ neo’ cuộc đời vào Chúa, họ sẽ vượt qua dễ dàng.Và mỗi khi đã vượt qua những cơn thử thách ấy, Chúa lại ban cho họ một niềm vui chan chứa, quả đúng như lời Thánh Vịnh đã cất lên:
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126, 5-6).
3. Cây bút chì và bài học từ bỏ: Thứ đến, cây bút chì luôn luôn chấp nhận để người hoạ sĩ dùng một cục tẩy mà xoá đi những chỗ nguệch ngoạch, nhem nhuốc hay bất kỳ sai lỗi nào. Cũng vậy, sự uốn nắn, sữa lỗi cho các chủng sinh nhiều lúc không phải là điều gì tệ hại nhưng đơn giản là để giúp đỡ họ đi đúng hướng trên hành trình ơn gọi. Quả thực, hành trình tu luyện chẳng phải đơn giản chút nào. Các chủng sinh luôn phải khổ luyện, phải từ bỏ đến “trầy vi tróc vảy” mới có thể nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh của mình. Đường tu trì không gì khác là quá trình thao luyện liên tục, tựa như các tay đua trên thao trường phải kiêng cự đủ điều mới mong chiếm được phần thưởng. Bỏ thế gian với những quyến luyến của nó có khi còn dễ nhưng bỏ mình thì quả thực chẳng dễ chút nào. Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận viết: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (ĐHV 3).
4. Cây bút chì và bài học dấn thân “là” linh mục của Chúa: Ngoài ra, chúng ta còn thấy, chất liệu đáng nói nơi cây bút chì không phải là lớp vỏ bọc bên ngoài nhưng là lõi than chì bên trong. Thế giới đang mãi nhắm mắt chạy theo cái có (to have) hơn cái là (to be), còn chủng sinh linh mục thì nhất quyết phải chọn cái là trước mới chọn cái làm, cái có. Nghĩa là, trước khi làm linh mục, chủng sinh phải “là” linh mục đã bởi lẽ làm linh mục không chỉ đơn thuần là dâng lễ, cử hành các bí tích như một cái máy rồi sau đó nhốt mình trong một ốc đảo cô tịch, của cái tôi của linh mục nhưng là để đi ra, để đến với đoàn chiên. Đức Thánh Cha Phanxico trong Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng đã nói những câu thật sâu sắc: “Tôi thà có một Giáo hội bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”[7]. Trên hết, linh mục phải mang trong mình đức ái mục tử của Chúa Ki-tô để yêu thương người nghèo để sống cùng sống với và sống vì đoàn chiên: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Và trên hết, chủng sinh phải là người cảm nhận sâu sắc mầu nhiệm khổ nạn và vượt qua của Chúa Ki-tô để trở nên chứng nhân cho niềm hy vọng của Tin mừng trong thế giới hôm nay. Bởi vậy, những thử thách của quá trình đào luyện bản thân, những đau khổ của bản thân hay những cơ hội mục kích những người đau khổ bằng việc đi thăm những người ốm đau bệnh tật… như là cơ hội để chủng sinh “đụng chạm” vào “vết thương” của Chúa Giêsu. Một lần nữa, lời của Đức Giáo Hoàng Phanxico lại trở nên như tiếng chuông cảnh tỉnh con người thời đại hôm nay và người Ki-tô hữu, chủng sinh nói riêng:
“Đôi khi chúng ta bị cám dỗ trở thành kiểu Ki-tô hữu đứng xa để nhìn các vết thương của Chúa. Nhưng Đức Giêsu muốn chúng ta chạm vào sự khốn cùng của con người, chạm vào da thịt đau khổ của người khác. Ngài hy vọng chúng ta ngưng tìm kiếm những cái tháp ngà của cá nhân hay cộng đồng để che chở chúng ta khỏi vòng xoáy những nỗi bất hạnh của con người; trái lại, Ngài muốn chúng ta đi vào thực tế đời sống của những người khác và biết được sức mạnh của sự dịu dàng”[8].
Vậy, để làm được như thế chủng sinh không còn con đường nào khác là rập đời mình theo Đức Ki-tô trong từng giây phút của cuộc sống, bởi lẽ “chiếcáo dòng không làm nên thầy tu” nhưng chính là những trang sức của tâm hồn, của sự liên hệ cá vị với Đức Ki-tô. Về điều này, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã nêu rõ: “điều quan trọng nhất trên hành trình tiến tới thiên chức linh mục và trong suốt cuộc sống linh mục, đó là mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô”[9]. Vì thế, mục đích của đời tu không phải là tấm áo choàng linh mục, là chiếc lúp đội đầu hay một chức vụ nào khác trong Giáo hội nhưng là để ‘chiếm đoạt Đức Ki-tô và để được Đức Ki-tô chiếm đoạt’ (X. Pl 3, 12). Nếu chủng sinh mà đặt mục đích của mình vào những thứ vô hồn kia thì đời tu chỉ là một tiếng thở dài liên lĩ. Tóm lại, việc trở thành linh mục là dịp để dấn thân, là phục vụ chứ không phải là cơ hội để tiến thân, và mục đích tối hậu của đời người nói chung và người chủng sinh nói riêngchính là được kết hợp với Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô, là Đầu và Mục Tử.
Kết Luận
Hình ảnh người chủng sinh trong tay Hoạ Sĩ Giêsu quả là một hình ảnh rất đẹp, nó không chỉ đẹp dưới lăng kính của đời tu mà còn cho mọi người ở mọi bậc sống. Hành trình để trở nên thành toàn của người Ki-tô hữu nói chúng và của chủng sinh linh mục nói riêng luôn luôn là hành trình của vâng phục đức tin, hành trình của thử thách, của sự từ bỏ để làm nên cái “ta là”. Quả vậy, mỗi con người là một hữu thể đang trở thành (becoming being), chủng sinh cũng tựa như một tác phẩm chưa thành toàn (unfinished work) trong tay Chúa. Con người chỉ thực sự hoàn bị, chỉ thực sự vươn tới tầm vóc viên mãn trong Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta.
Cánh đồng truyền giáo đang mở ra mênh mông bát ngát trước mắt chúng ta. Hơn lúc nào hết, Giáo hội đang cần những môn đệ hăng hái cống hiến thời gian và sức lực để phục vụ Tin mừng, cần có những người trẻ biết để cho tình yêu của Thiên Chúa đốt nóng tâm hồn họ và họ sẽ quảng đại đáp lại lời mời gọi của Người. Tuy nhiên, điều tối quan trọng là họ phải biết rằng mình chỉ là đầy tớ vô dụng, muốn trở nên hình ảnh và dụng cụ của tình yêu thì cần chạy đến và “uống nơi nguồn mạch đầu tiên, nguyên thủy, nơi Đức Giêsu Kitô, từ cạnh sườn được khai mở của Người, tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn trào” (x. Ga 19,34).

Không có nhận xét nào: